Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

KỶ NIỆM 60 NĂM KẾT NGHĨA THANH HÓA – QUẢNG NAM (12/3/1960-12/3/2020): NHỮNG CÔNG TRÌNH CỦA TÌNH KẾT NGHĨA

Ngày đăng: 8:59 | 10/03/2020 Lượt xem: 2384

Sau Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam (12/3/1960), nhiều công trình: nhà máy, trường học, công viên, kênh mương,... mang tên Thanh Hóa - Quảng Nam ra đời. Tiếp nối truyền thống kết nghĩa, 60 năm qua, biết bao công trình thể hiện mối tình son sắc thủy chung tiếp tục được xây dựng, trùng tu ở cả Thanh Hóa và Quảng Nam. Đó là một phần tình cảm, trách nhiệm để đảng bộ và nhân dân hai địa phương luôn nhớ về nhau.

Thư viện Thanh Hóa – Quảng Nam
Sau Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam, trong không khí tưng bừng hướng về miền Nam ruột thịt, cuối tháng 3/1960, Thư viện Thanh Hóa khai trương tủ sách kết nghĩa. Đó là cơ sở đặt nền móng cho sự ra đời của Thư viện Thanh Hóa – Quảng Nam. Ngày 02-8-1961, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Thông tri số 55-TT/TU về xây dựng Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam, đồng thời giao cho Ty Văn hóa (nay là Sở Văn hóa –TT-DL) và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa xây dựng. Mục đích xây dựng Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam nhằm cổ vũ thêm tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào Miền Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng. Khi mới thành lập, Thư viện Thanh Hóa có trên 3.000 cuốn sách do cán bộ và nhân dân Thanh Hóa chung tay đóng góp. Qua các năm, số sách của Thư viện kết nghĩa thường xuyên được bổ sung và hoạt động ngày càng hiệu quả, lượng bạn đọc có ngày tăng lên 100 người. Công tác giữ gìn, quản lý vốn sách cho quê hương đất Quảng được cán bộ Thư viện hết sức quan tâm để hỗ trợ cho Quảng Nam sau ngày giải phóng.
Đầu năm 1975, Thư viện nhận được các tài liệu quý của Ty Văn hóa Thanh Hóa mang đến tặng: Các tập văn hóa Thanh Hóa, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tục ngữ, dân ca Mường Thanh Hóa, Truyện thơ Mường (của Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân sưu tầm). Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa và nhiều tác phẩm viết về Quảng Nam như cuốn “Đất Quảng”, “Người Quảng Nam”, “Lịch sử Quảng Nam”, truyện cổ Kà Tu… đều có trong thư viện. Bên cạnh những tác phẩm nói về Quảng Nam anh em còn có những tác phẩm nói về con người và mảnh đất Thanh Hóa trong chống Mỹ cứu nước như tập thơ “Trời quê hương”, “Đỉnh Hàm Rồng”, “Truyện ký người sông Mã”, “Sông Mã chiến thắng”. Ngoài những tập thơ ca, truyện ký, ở Thanh Hóa đều có nhiều bài hát đã xuất bản như: “Thanh Hóa quê hương chúng tôi”. “Hai con sông một nghĩa tình”, “Tiếng hát thu bồn trên sông Mã”.
Sau khi đất nước thống nhất, niềm vui nối tiếp niềm vui, cán bộ Thư viện khẩn trương, sắp xếp để vận chuyển 84.000 cuốn sách quý và các loại báo, tạp chí, các phương tiện nghiệp vụ vào Quảng Nam để phục vụ yêu cầu mới. Ngày 17/6/1978, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Văn hóa, Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ chuyển giao 84.000 đầu sách của Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam cho tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Đây là Thư viện kết nghĩa lớn nhất cả nước, là biểu tượng sinh động về nghĩa tình cao đẹp của thư viện, và tấm lòng của nhân dân Thanh Hóa với đồng bào Quảng Nam.
Thư viện Thanh Hóa tại Hội An
Sau khi Hội An được giải phóng, trong niềm vui Bắc - Nam sum họp, đất nước thống nhất, tháng 4/1975, đoàn cán bộ Thị xã Thanh Hóa vào thăm và tặng đồng bào Hội An 10 nghìn cuốn sách các loại do cán bộ và nhân dân Thanh Hóa nghĩa tình quyên góp từ những năm đầu kết nghĩa cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây là tài sản vô cùng quý báu trong giai đoạn Hội An đang tập trung nhiệm vụ kiến thiết xây dựng quê hương gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về sách báo. 
Trên cơ sở đó, ngày 2/9/1975, Thư viện Hội An được thành lập trực thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin, với nhiệm vụ là thu thập, lưu giữ các loại sách báo nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách, học tập, nghiên cứu của cán bộ, học sinh và các tầng lớp nhân dân Hội An. Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác thư viện và để khắc sâu tình kết nghĩa giữa hai địa phương, được sự thống nhất chung của lãnh đạo hai Thị xã, ngày 25/10/1979, Ủy ban nhân dân nhân dân Thị xã Hội An đã ban hành Quyết định thành lập Thư viện Hội An - Thanh Hóa trực thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin Hội An. Năm 1990, trụ sở Thư viện Hội An - Thanh Hóa được xây dựng tại số 10 đường Nguyễn Huệ.
Để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí… của các tầng lớp nhân dân và du khách, lãnh đạo thành phố Hội An đã thống nhất chủ trương xây dựng mới một thư viện cộng đồng tại địa điểm Công viên văn hóa với quy mô khang trang, mang tính biểu tượng của tình kết nghĩa Hội An - Thanh Hóa đời đời bền vững. Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm kết nghĩa hai thành phố Thanh Hóa - Hội An (2/1961-2/2011) vào năm 2011, công trình Thư viện Thanh Hóa tại Hội An đã được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, do những điều kiện khách nên công trình này phải tạm dừng lại. Đến tháng 7/2014, công trình được chính thức khởi công xây dựng và sau một năm nỗ lực thi công, đến ngày 22/7/2015, công trình Thư viện mới tại Công viên văn hóa ở số 131, Nguyễn Trường Tộ, thành phố Hội An đã được khánh thành. Đây là công trình vừa có ý nghĩa là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hội An lần thứ XVII vừa là công trình thể hiện sự gắn kết keo sơn giữa hai thành phố Thanh Hóa - Hội An.
Cùng với Thư viện Thanh Hóa tại Hội An, Đảng bộ và nhân dân thành phố Thanh Hóa hỗ trợ Hội An xây dựng Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, số 81, đường Phan Châu Trinh có quy mô 2 tầng với dãy 5 phòng học cho 10 lớp cùng 9 phòng học chức năng, kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng.

 
Công viên Hội An tại thành phố Thanh Hóa

Công viên Hội An tại thành phố Thanh Hóa
Năm 2006, trong chuyến thăm làm việc với Hội An của lãnh đạo thành phố Thanh Hóa, lãnh đạo hai địa phương đã khẳng định và thống nhất tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp kết nghĩa của hai địa phương trong chiến tranh và hợp tác trong hòa bình xây dựng; nhằm giáo dục truyền thống quý báu cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hai địa phương luôn trân trọng, giữ gìn, bồi đắp ngày thêm bền chặt, phát triển. Trên tinh thần đó, lần lượt những công trình mang tên Thanh Hóa ở Hội An và những công trình mang tên Hội An ở Thanh Hoá ra đời. Năm 2016, nhân kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An. Thành phố Thanh Hóa đã khánh thành Công viên Hội An. Đảng bộ và nhân dân thành phố Hội An đã tặng công trình mang tính biểu tượng văn hóa của Hội An - đó là mô hình Chùa Cầu, mô hình Chùa Cầu được xây dựng với tỷ lệ 75% và hai trụ biểu gắn phù điêu nghệ thuật bằng đất nung của làng gốm Thanh Hà.

 
Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ quê hương Thanh Hóa đã chiến đấu, hi sinh trên chiến trường Quảng Nam

Bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ Thanh Hóa tại Quảng Nam
Nhằm tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, con em quê hương Thanh Hóa đã hi sinh trên mảnh đất Xứ Quảng anh hùng. Cuối năm 2019, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Quảng Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ quê hương Thanh Hóa đã chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Quảng Nam. 
Mô hình và quy mô kiến trúc nhà bia được mô phỏng từ Nhà bia Vĩnh Lăng ở khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đảm bảo ghi tên trên 1.000 liệt sĩ trở lên và đảm bảo kết nối với các công trình trong quần thể tượng đài. Nhà bia ghi danh liệt sỹ được xây dựng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Quảng Nam với diện tích xây dựng khoảng 120m2, nhà 01 tầng, kiến trúc phù hợp với các công trình hiện trạng và cảnh quan tổng thể của Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh. 
Công trình được khánh thành vào ngày 12/3/2020, nhân dịp kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam (12/3/1960-12/32020). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tình cảm sâu sắc giữa hai địa phương. Đồng thời, thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đối với các Anh hùng liệt sỹ quê hương Thanh Hóa, qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước đối với thanh thiếu niên, các thế hệ trẻ.
Hiện nay, trên quê hương Quảng Nam và Thanh Hóa còn rất nhiều công trình của tình kết nghĩa tiếp tục được xây dựng, nâng cấp trở thành biểu tượng sinh động cho tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa hai tỉnh. Đặc biệt, trên quê hương Quảng Nam còn có nhiều thế hệ người con của quê hương Thanh Hóa đã hòa với người con Xứ Quảng, đang ngày đêm ra sức lao động, công tác trên các lĩnh vực cùng xây dựng quê hương thứ hai thêm giàu đẹp. Đây chính là sợi dây kết nối nghĩa tình Thanh - Quảng ngày càng thắm thiết, bền chặt hơn. Ghi nhận những đóng góp của người con Xứ Thanh trên mảnh đất Xứ Quảng anh hùng, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Quảng Nam luôn luôn ghi nhận những đóng của con em Thanh Hóa trên mảnh đất Quảng Nam.

Nguồn: Biên soạn theo cuốn: 50 năm nghĩa tình Thanh Hóa – Quảng Nam (1960-2010).

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?