Là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa và đấu tranh yêu nước, cách mạng, từ bao đời vùng đất xứ Quảng đã có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa và là nơi sản sinh ra nhiều trí thức lớn, chí sĩ yêu nước, lãnh tụ cách mạng, làm rạng danh quê hương, đất nước. Với bề dày lịch sử - văn hóa và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, người dân xứ Quảng từ thế hệ này đến thế hệ khác luôn cháy bỏng khát vọng tự do, độc lập, không cam chịu làm nô lệ. Những năm đầu thế kỷ XX, ở Quảng Nam đã các phong trào Đông Du, Duy Tân, phong trào chống Thuế… diễn ra sôi nổi, nhưng đều không thành công.
Mặc dù các phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều không thành công, nhưng đã góp phần xây đắp nên truyền thống anh hùng, bất khuất, ý chí kiên cường, trách nhiệm của con người xứ Quảng trước vận mệnh của đất nước.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, chưa đầy hai tháng sau, ngày 28/3/1930, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra Thông cáo về việc thành lập Đảng bộ tỉnh. Đây là sự kiện đánh dấu một mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Quảng Nam dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thông cáo nêu rõ “từ nay chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đường cho công, nông, binh, nhân dân lao động bị áp bức đấu tranh giành độc lập dân tộc… Chúng tôi bố cáo cùng các đồng chí cộng sản, các đồng chí Đảng Tân Việt biết Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam của Đảng cộng sản Việt Nam đã thành lập, để hướng đạo công nông binh và những người lao khổ bị áp bức tranh đấu thực hiện chính cương của Đảng”(1).
Với sứ mệnh tranh đấu cho quyền lợi Nhân dân, những ngày đầu thành lập, với chỉ hơn 70 đảng viên, nhưng với sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo, Đảng bộ đã từng bước lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn gian khổ với những đợt khủng bố vô cùng dã man của kẻ thù, kiên trì xây dựng tổ chức, chuẩn bị lực lượng, nhạy bén, linh hoạt trong việc nắm và chớp thời cơ lãnh đạo công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đưa Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) và 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối cách mạng do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, lãnh đạo quân và dân lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu như Chiến thắng Núi Thành - trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ trên chiến trường Quảng Nam đêm 25 rạng ngày 26/5/1965 và những chiến công vang dội khác trong việc thực hiện sáng tạo và linh hoạt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”, từng bước đánh bại hai chiến dịch mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ- ngụy.
Với những thành tích tiêu biểu đó, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, ngày 17/9/1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu: “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với quyết tâm “Tất cả cho Tổng công kích, tất cả cho Tổng khởi nghĩa”, “Tất cả để đuổi Mỹ, lật ngụy giành chính quyền về tay nhân dân”, cùng với nhân dân miền Nam, quân và nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà đã dáng cho Mỹ - ngụy một đòn chí mạng, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri.
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, được sự giúp sức của Mỹ, chính quyền Sài Gòn trắng trợn vi phạm Hiệp định, chúng đưa quân ào ạt đánh chiếm vùng giải phóng để thực hiện âm mưu “tràn ngập lãnh thổ”, xóa thế da beo và “đẩy cộng sản lên biên giới”. Tỉnh ủy Quảng Nam, Đặc khu ủy Quảng Đà đã lãnh đạo quân và dân từng bước giành lại thế chủ động tiến công. Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, trong mùa xuân 1975, ta đã đánh bại trên 10 vạn tên ngụy trên địa bàn Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn quê hương, góp sức cùng nhân dân miền Nam và cả nước giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, quân và nhân dân Quảng Nam bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân. Trong muôn vàn khó khăn, phức tạp của những ngày đầu giải phóng, Đảng bộ tỉnh đã khơi dậy truyền thống cách mạng của quê hương, bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam luôn trăn trở, tìm tòi những hướng đi mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của quê hương. Trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và hơn 23 năm sau ngày tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trên các lĩnh vực.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI
|
Đặc biệt, năm 2019 – năm tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP- giá so sánh 2010) đạt 70.734 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 44 triệu đồng (tăng hơn 5 triệu đồng/người so với năm 2018); thu ngân sách đạt 23.278 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa đạt 18.990 tỷ đồng). Năm 2019, lần đầu tiên Quảng Nam xuất khẩu ô tô con, xe buýt sang các nước Thái Lan, Myanmar, Philippines. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên 7,79 triệu lượt, tăng 22,79% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế hơn 4,6 triệu lượt, tăng 20,55%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã có 98/204 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 48%, có thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh là huyện nông thôn mới. Đặc biệt, Quảng Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020”. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 4 năm gần đây đều nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số tốt.
Tổ chức bộ máy các cấp được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng phát huy. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong 90 năm qua đã thể hiện sức mạnh nội sinh, là kết tinh của bản lĩnh, trí tuệ, là thành quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, khát vọng vươn lên, ý chí không cam chịu thân phận nô lệ, không cam chịu đói nghèo của quân và dân Xứ Quảng.
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28/3/1930-28/3/2020) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà; đồng thời, động viên Đảng bộ, quân và dân ra sức phát huy thành quả cách mạng, giữ gìn những giá trị thiêng liêng đó, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, mãi mãi thủy chung, son sắt, một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng và Bác Hồ, luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phấn đấu xây dựng Quảng Nam sớm trở thành tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững.
---------------
(1): Theo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng 1930-1975, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, trang 79.