Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910-10/7/2020): Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức lớn đầy tâm huyết với cách mạng

Ngày đăng: 14:34 | 30/06/2020 Lượt xem: 702

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh là Ba Nghĩa) sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Một trí thức lớn đầy tâm huyết với cách mạng
Năm 1921, Nguyễn Hữu Thọ được gia đình cho sang Pháp học. Với thành tích học tập xuất sắc, năm 1928, được nhận vào học khoa Luật Trường đại học Luật khoa và Văn khoa Ai-xen Prvence. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật loại xuất sắc, năm 1933, Nguyễn Hữu Thọ trở về quê hương, làm luật sư tập sự. Năm 1939, Nguyễn Hữu Thọ thành lập Văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, rồi Sài Gòn - Chợ Lớn. Trực tiếp chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, cùng những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các chiến sĩ khởi nghĩa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cảm phục tinh thần bất khuất vì lý tưởng cao cả của các chiến sĩ cộng sản, xót thương đồng bào, thấy rõ bản chất đen tối, tàn bạo của chính quyền thực dân. Từ đó Luật sư bắt đầu tham gia phong trào thanh niên, sinh viên và giới trí thức đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Luật sư tích cực ủng hộ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, sẵn sàng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam mới. Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thường xuyên giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức. Nhận lời mời của Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ, Luật sư ra thăm Chiến khu Ðồng Tháp Mười, được gặp gỡ những người kháng chiến và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của họ; sự kiện này đã làm thay đổi căn bản nhận thức của Luật sư. Từ đó, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tự nguyện đi theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và trở thành một trong những trí thức lớn của thời đại.
Ngày 16/10/1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vinh dự được đứng vào hàng ngũ Ðảng Cộng sản Ðông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Do những hoạt động yêu nước, năm 1950, Luật sư bị thực dân Pháp bắt và đưa đi giam ở Lai Châu và Sơn Tây. Sau khi được trả tự do, đồng chí tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn-Chợ Lớn; là Phó Chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình.
Năm 1954, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và giam tại Củng Sơn, Phú Yên. Cuối tháng 10/1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giải thoát và đưa về căn cứ cách mạng ở Tây Ninh. Tháng 02/1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ Nhất được tổ chức, Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch. Tháng 6/1969, Ðại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam được tổ chức và ra Nghị quyết thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Ðại hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ. Sự kiện này đánh dấu thắng lợi hết sức to lớn về chính trị và ngoại giao của quân và dân miền Nam, trong đó có vai trò của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, Phó Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (6/1976), Quyền Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (4/1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (7/1981). Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận (từ 31/1 đến 4/2/1977), đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 11/1988, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 8/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã suy tôn đồng chí làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong thời gian làm Chủ tịch Mặt trận, đồng chí đã nhiều lần xuống địa phương tìm hiểu thực trạng, tháo gỡ khó khăn của công tác Mặt trận, đề xuất với Ðảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy vai trò Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ mới, với mong muốn Mặt trận phải thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, quá khứ, chính kiến, tôn giáo, dân tộc... Xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Ðảng lãnh đạo với tổ chức Mặt trận theo tinh thần Ðảng vừa là người lãnh đạo vừa là một thành viên của Mặt trận, làm sao để Mặt trận trở thành chỗ dựa chính trị tin cậy của Nhà nước.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ghi nhận công lao của đồng chí, tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất (18/11/1995), Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ... nhà trí thức tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, người chiến sĩ từng trải thử thách trên mặt trận đấu tranh chống xâm lược vì độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội, đã có những đóng góp quý báu vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong mấy thập kỷ qua”.
Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

 
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ phát biểu tại Lễ mitting giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng ngày 07/4/1975

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với Quảng Nam – Đà Nẵng
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (01/1959), đồng chí Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, được đồng chí Lê Duẩn giao “nhiệm vụ đặc biệt” - giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Trong cuốn Hồi ký của mình đồng chí Võ Chí Công ghi: “Trong thời gian họp Hội nghị Trung ương lần thứ 15, anh Ba Duẩn có bàn với tôi: Cách mạng miền Nam cần lập Mặt trận sớm, rộng rãi để tập hợp các tầng lớp nhân dân chống Mỹ. Người đứng đầu Mặt trận phải là người tri thức có tiếng tăm, tiêu biểu nhưng vững vàng. Anh giới thiệu và giao nhiệm vụ cho tôi giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị an trí ở Phú Yên ra làm Chủ tịch Mặt trận. Tôi hứa với anh sẽ cố gắng làm cho được”. Trở về khu 5 với cương vị Bí thư Khu ủy, đồng chí Võ Chí Công đã lãnh đạo nhiệm vụ giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Sau 3 lần, cuối tháng 10/1961 cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mới thành công.
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, trong hai ngày (06-07/4/1975), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Đặc Khu ủy Quảng Đà vinh dự tiếp và làm việc với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ. Trong thời gian thăm tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã làm việc với lãnh đạo hai địa phương; nghe báo cáo diễn biến giải phóng tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà. Ngày 07/4/1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà tổ chức Lễ mitting mừng chiến thắng tại sân vận động Chi Lăng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dự và phát biểu, đồng chí đã biểu dương chiến công của hai địa phương, đồng thời đề nghị hai địa phương làm tốt công tác ổn định mọi mặt đời sống nhân dân, giữ vững trị an; động viên sức người, sức của góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Khu ủy 5, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, với khẩu hiệu “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên”, quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng đóng góp, sức người, sức của góp phần cùng cả nước đưa chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Theo: Đề cương Tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Chí Công – trên những chặng đường cách mạng (Hồi ký) và cuốn “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng 1975-1996”.

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?