Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Từ Diêm Trường đến Kim Bồng – Hai địa danh lịch sử trước Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Nam

Ngày đăng: 9:17 | 10/08/2020 Lượt xem: 580

Tháng 4.1944, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập lại và quyết định đặt cơ quan tại Diêm Trường, Tam Kỳ và Kim Bồng, Hội An. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuẩn bị tổ chức, lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong lúc phong trào cách mạng trong tỉnh đang đà phát triển, thì cuối năm 1943, do có sự phản bội, chỉ điểm, nên bọn mật thám truy lùng, bắt bớ, Tỉnh ủy bị vỡ, các đồng chí Võ Toàn - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Sắc Kim - Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng bị bắt; đợt này cơ sở cách mạng ở phủ Tam Kỳ cũng bị bể vỡ nặng, 34 đồng chí bị bắt. Phong trào cách mạng trong tỉnh một lần nữa tạm lắng.
Mặc dù không còn cơ quan lãnh đạo, tuy nhiên các đảng viên và cơ sở còn lại đều giữ vững tinh thần, chờ bắt nối hoạt động với cấp trên. Lúc này, tại khu vực phía Nam Tam Kỳ, vụ bể vỡ cuối năm 1943, tuy không còn liên lạc được với tổ chức Đảng của trên, nhưng ở khu vực làng Diêm Trường (nay là xã Tam Giang, huyện Núi Thành), đồng chí Nguyễn Hữu Hồ và Đinh Thương tiếp tục hoạt động, các đồng chí vừa động viên ổn định tư tưởng cho quần chúng, vừa ra sức củng cố số cơ sở kiên trung hình thành các tổ chức nòng cốt để nắm quần chúng, vừa tìm cách bắt liên lạc với số đảng viên, cơ sở cách mạng còn vững vàng ở các xã lân cận và liên lạc với các đồng chí bị tù ở Hội An, Buôn Ma Thuột… Nhờ đó, phong trào cách mạng ở Diêm Trường nhanh chóng được khôi phục lại. Đó là cơ sở mà sau này, sau khi vượt ngục đồng chí Trần Văn Quế về lại Diêm Trường bắt nối xây dựng lại phong trào cách mạng, từ đó tạo bước chuyển lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Tại Hội An, trong vụ bể vỡ cuối năm 1943, hầu hết các đồng chí Thành ủy bị bắt, chỉ còn đồng chí Nguyễn Văn Tấn (Tấn Ưng), Thành ủy viên không bị bắt. Trước tình hình đó, đồng chí Ưng tiếp tục tìm cách liên lạc, bắt nối khôi phục lại các cơ sở cách mạng và đảng viên. Đến cuối năm 1943, đồng chí Nguyễn Văn Tấn chủ trì hội nghị thành lập lại Thành ủy Hội An và được hội nghị cử làm Bí thư Thành ủy. Sau khi thành lập, Thành uỷ và các chi bộ ở Hội An tiếp tục lãnh đạo và phát triển phong trào. Lúc này, chi bộ nhà lao được thành lập lại và tiếp tục lãnh đạo các cuộc đấu tranh và giữ mối liên lạc với Thành uỷ Hội An để nắm chủ trương và phối hợp hành động.
Đầu năm 1944, qua nguồn tin của cơ sở, đồng chí Trần Văn Quế và Nguyễn Chế biết mình sẽ bị địch đưa từ nhà đày Buôn Ma Thuột ra Phú Bài (Huế), các đồng chí thống nhất trên đường đi sẽ nhảy tàu để trốn thoát về Tam Kỳ bắt nối hoạt động cách mạng. Trước khi chuẩn bị cho việc “nhảy tàu” đồng chí Trần Văn Quế đã tìm gặp đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim và Lê Bá - những người bị bắt sau vụ bể vỡ cuối năm 1943 để nắm tình hình cơ sở cách mạng ở quê nhà. Và được đồng chí Võ Chí Công dặn dò “Về cố gây dựng lại phong trào, liên lạc với Nguyễn Thị Lan - Bốn Phiên (bí danh là Hằng) ở Tịch Tây nhé. Nhắn ở nhà yên tâm. Anh Võ Chí Công còn dặn dò thêm: Bọn mình đã ra được số báo Cờ độc lập số 10 rồi, các cậu về phải ra bằng được số 11 (hiện này chưa xác định được Cờ Độc lập ra được mấy số - TG). Phía Bắc thì liên lạc với anh Bảy Phe (Nguyễn Tấn Ưng) làm thợ mộc ở Kim Bồng”.
Tháng 02.1944, sau khi “nhảy tàu” trở về hoạt động ở Tam Kỳ các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế được đồng chí Nguyễn Minh (Hợi), người làng Tịch Tây, xã Tam Nghĩa và đồng chí Nguyễn Hữu Hồ đón về Diêm Trường ở tại nhà ông Nguyễn Hậu (Câu) - thân sinh đồng chí Nguyễn Hữu Hồ. Tại Diêm Trường, các đồng chí đã được gia đình ông Nguyễn Hậu nuôi giấu, bảo vệ an toàn. Từ đây, Diêm Trường trở thành nơi trụ bám vững chắc và là tiền đề để các đồng chí Trần Văn Quế và Nguyễn Tiến Chế đẩy mạnh hoạt động, xây dựng lại phong trào cách mạng tỉnh nhà. Trên cơ sở phong trào cách mạng ở Diêm Trường được đồng chí Nguyễn Hữu Hồ và Đinh Thương xây dựng từ trước đó, tháng 3.1944, đồng chí Trần Văn Quế và Nguyễn Tiến Chế đã thành lập Chi bộ Diêm Trường, lấy bí danh là Chi bộ Hà Thanh, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Hồ, Huỳnh Sự, Đinh Thương, do đồng chí Huỳnh Sự làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của phủ Tam Kỳ được thành lập sau cuộc khủng bố cuối năm 1943.
Sau khi xây dựng được chi bộ Diêm Trường, các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế, tiếp tục liên hệ và dựa vào các cơ sở cách mạng nhà ông Võ Nghiệm (thân sinh đồng chí Võ Toàn - Võ Chí Công), Võ Thơ (thân sinh đồng chí Vũ Ngọc Hải - Vũ Để) ở thôn Khương Mỹ (nay thuôc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) bắt nối liên lạc để xây dựng cơ sở cách mạng trong toàn phủ Tam Kỳ.
Sau khi móc nối xây dựng được một số chi bộ ở Tam Kỳ. Nhờ sự giúp đỡ của Phủ ủy Tam Kỳ, đồng chí Trần Văn Quế và Nguyễn Tiến Chế đóng giả hai bố con đi rước thợ mộc ở Kim Bồng. Trong hồi ký của mình đồng chí Trần Văn Quế ghi: “Trên chiếc thuyền buôn chúng tôi đi dọc Trường Giang ra phố Hội An lần lượt đến trại mộc của anh Bảy Phe (Nguyễn Văn Ưng). Sau một hồi lâu trao đổi với nhau. Anh Ưng tiếp chúng tôi. Anh Ưng là một đồng chí kín đáo, tỉnh táo, anh ít nói song có vẻ chắc chắn, vững vàng. Chúng tôi có sự tin tưởng”.

 
Chùa Kim Bữu, làng Kim Bồng nơi Tỉnh ủy Quảng Nam đứng chân hoạt động năm 1944

Sau khi bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Tấn, tháng 4.1944, tại Chùa Kim Bửu, làng Kim Bồng, Hội An, một cuộc hội nghị được diễn ra. Hội nghị quyết định thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam (mật danh là Tỉnh ủy Cam Túc) gồm 3 đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Văn Ưng và phân công đồng chí Trần Văn Quế làm Bí thư. Để thuận lợi trong việc lãnh đạo, Tỉnh ủy quyết định đặt cơ quan tại Diêm Trường, huyện Tam Kỳ và làng Kim Bồng, Hội An và thống nhất, một tháng sau sẽ tổ chức một cuộc hội nghị tại nhà ông Nguyễn Hậu, tại Diêm Trường.
Đúng hẹn, khoảng một tháng sau Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp tại nhà ông Nguyễn Hậu, ở Diêm Trường. Hội nghị xác định nhiệm vụ cấp bách của Tỉnh ủy lúc này là nhanh chóng móc nối liên hệ với các phủ, huyện xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và các đoàn thể, tiếp tục ra tờ báo “Cờ Độc Lập” và in một số tài liệu mật để tuyên truyền. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ đều tham gia viết bài, biên tập, tự in rồi giao cho cơ sở phát hành. Báo tiếp tục ấn hành đã góp phần củng cố lòng tin của đảng viên và quần chúng đối với Đảng. Tỉnh ủy cũng chủ trương liên lạc với các nhà lao, trại an trí, tổ chức đón anh chị em tù chính trị vượt ngục.
Sau thành công của hội nghị, đồng chí Trần Văn Quế, Bí thư Tỉnh ủy đã viết một bức thư gửi theo đường bí mật vào nhà đày Buôn Ma Thuột, báo cáo cho các đồng chí trong chi bộ nhà đày biết tình hình cách mạng ở quê nhà, đồng thời đề nghị các đồng chí nếu vượt ngục thì bắt mối hoạt động, bổ sung cán bộ cho địa phương. Vì vậy, những đồng chí bị địch bắt ở tù - được tôi luyện trong đấu tranh chống chế độ lao tù, đồng thời xây dựng, củng cố đội ngũ ngay trong nhà tù của địch - khi trở về đã nhanh chóng bắt nối với cơ sở cách mạng và góp phần bổ sung cho đội quân khởi nghĩa, như đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Xuân Nhĩ, Nguyễn Thúy, Lê Thanh Hải...
Sự kiện Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập lại và đặt cơ quan tại Diêm Trường và làng Kim Bồng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là bước chuẩn bị về tổ chức, lực lượng tiến đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi. Chính vì thế mà cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam đã giành thắng lợi một cách nhanh chóng và trọn vẹn như đánh giá của Trung ương Đảng “Ngày 18-8-1945, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa, song do thời cơ thuận lợi xuất hiện, thấm nhuần Chỉ thị lịch sử ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Đảng bộ và Việt Minh các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Mỹ Tho đã phát động và lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thắng lợi. Khởi nghĩa thành công nhanh chóng ở các tỉnh trên là biểu hiện sinh động tinh thần chủ động, sáng tạo, năng lực cách mạng dồi dào của các cấp bộ đảng, Việt Minh và quần chúng các địa phương”. 

(Theo: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập I (1930-1954), Quyển 1 (1930-1945), Nxb CTQG Sự thật xuất bản 2018, trang 696).

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?