Về công tác nghiên cứu, biên soạn: Đối với cấp tỉnh, đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930 – 1975”, “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1975 – 1996”. Đối với giai đoạn từ sau khi tái lập tỉnh (1997 đến nay), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sưu tầm tư liệu, biên soạn và xuất bản: “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam 1975 - 2005 và giai đoạn 2006 - 2015”. Đã tổ chức Hội thảo và xuất bản tập sách “Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Huỳnh Ngọc Huệ”. Nhân kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam (12/3/1960 - 12/3/2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương giao cơ quan chức năng biên soạn, xuất bản Kỷ yếu “Quảng Nam - Thanh Hóa, 60 năm kết nghĩa, hợp tác và phát triển (12/3/1960 - 12/3/2020)”. Đặc biệt, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xuất bản tập sách“Căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 1930 - 1975” và “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam 2010 - 2020”.

Hội thảo Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ
|
Một số ngành, đoàn thể đã xuất bản lịch sử truyền thống như: “Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam 1930 - 2015”; “Lịch sử Ngành công an Quảng Nam - Đà Nẵng 1975 - 1996”; “Biên niên sự kiện Bộ đội Biên phòng tỉnh giai đoạn 1997 - 2017”. Hiện nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đang chuẩn bị thẩm định, xuất bản tập“Tổng kết công tác đấu tranh chính trị, binh địch vận tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975”; Đảng ủy Quân sự đang triển khai biên soạn “Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Quảng Nam 1945-2010”... Như vậy, tính đến tháng 9/2020, hầu hết các ban, ngành, đoàn thể trực thuộc Tỉnh ủy đã cơ bản hoàn thành việc biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống ngành.
Đối với cấp huyện: Tính đến tháng 9/2020, đã có 17/18, huyện, thị, thành phố hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ giai đoạn từ 1930 đến 2005/2010/2015. Riêng, huyện Tây Giang đã hoàn thành bản thảo giai đoạn 1945-2008, dự kiến viết tiếp đến năm 2020 và xuất bản cuối năm 2022. Đến nay đã có các huyện: Đại Lộc, Hiệp Đức bổ sung, tái bản giai đoạn 1930-2015; các huyện, thành phố: Quế Sơn, Thăng Bình, Hội An bổ sung tái bản giai đoạn 1930-1975. Ngoài ra, các huyện, thị, thành phố cũng đã chỉ đạo triển khai biên soạn lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể cấp mình và các ấn phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng.
Đối với cấp xã: Tính đến tháng 9/2020, giai đoạn trước năm 1975, đã có 175/241 xã xuất bản; 34/241 xã đang biên soạn; 22/241 xã chưa biên soạn. Giai đoạn sau năm 1975, đã có 132/241 xã xuất bản, 60/241 xã đang biên soạn, 49/241 xã chưa biên soạn.
Về công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương trong Đảng bộ và toàn xã hội:
Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam rất quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị các công trình lịch sử. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một số văn bản, như: Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 14/12/2015, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030. Thông tri số 08-TT/TU, ngày 21/6/2016, về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương trong trường phổ thông.
Đặc biệt, trên cơ sở kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học “Căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam (1930-1975)”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, thành phố Hội An phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn (1930 - 1975). Hiện nay UBND tỉnh đã giao cho UBND thành phố Hội An là đơn vị chủ đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Cây Thông Một – địa điểm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.
Trang Thông tin Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (quangnam.dcs.vn) tiếp tục duy trì và đăng tải các công trình lịch sử, văn hóa địa phương trên Thư viện ấn phẩm. Báo Quảng Nam, dành nhiều chuyên trang, chuyên mục, như Đất và Người xứ Quảng, Hồ sơ tư liệu đăng tải nhiều bài viết liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạng về vùng đất và con người xứ Quảng kiên trung. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, sản xuất và phát sóng các phim về nhân vật lịch sử tiêu biểu của quê hương, đất nước (05 phim/năm).
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử - văn hóa địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được cấp ủy các cấp quan tâm đẩy mạnh triển khai với hình thức, nội dung phong phú sinh động, như: Tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử Đảng bộ các cấp, đây là hình thức được cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng bộ hoặc ngày giải phóng quê hương, tiêu biểu như: “Cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa Quảng Nam; lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam”, do Sở Thông tin và Truyền thông phới hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Tỉnh đoàn tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28/3/1930 - 28/3/2020) gắn với kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng quê hương (24/3/1975 - 24/3/2020); các đơn vị, địa phương đã tổ chức cuộc thi như: Đảng ủy Công an tỉnh; Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tam Kỳ, Núi Thành, Đại Lộc, Phú Ninh, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang… ngoài ra, một số địa phương tổ chức các cuộc thi Rung chuông vàng, các cuộc thi tìm hiểu bằng nhiều hình thức khác như: Đại Lộc, Hội An, Tam Kỳ, Quế Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh…
Giao lưu, gặp mặt nhân chứng lịch sử hoặc tổ chức hội thảo, tọa đàm: Được các đơn vị, địa phương tổ chức như: Đại Lộc tổ chức giao lưu với nội dung “Tự hào người con gái Quảng Nam” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh bà Lê Thị Xuyến (9.12.1909 - 9.12.2019), Chủ tịch đầu tiên của Hội LHPN Việt Nam, tại trường tiểu học Lê Thị Xuyến, xã Đại Hòa; Nông Sơn tổ chức tọa đàm “45 năm chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước (1974-2019)”; Tam Kỳ tổ chức giao lưu với nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm ngày giải phóng quê hương 24/3…
Đăng tải trên các bài viết tuyên truyền về văn hóa - lịch sử địa phương trên các tạp chí, bản tin Thông báo nội bộ (dùng cho sinh hoạt chi bộ) và cổng thông tin của địa phương như: Tam Kỳ, Hội An, Đại Lộc, Núi Thành, Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Phú Ninh, Nam Trà My…
Sinh hoạt truyền thống tại địa chỉ đỏ, đây là nội dung được các cấp đoàn, hội, đội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tổ chức với nhiều hình thức phong phú, sinh động như: kết nạp đội viên, đoàn viên tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nhà lưu niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Tượng đài chiến thắng Mậu Thân ở thành phố Tam Kỳ, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam; tổ chức cho các em học sinh, sinh viên thăm các địa điểm, di tích lịch sử như: Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa; Tượng đài chiến thắng Núi Thành; Khu di tích Khu ủy 5 tại Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My; Khu di tích Khu ủy 5 tại xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức...
Có thể thấy rằng, sau gần 03 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả; nhiều công trình lịch sử các ngành, các cấp được biên soạn, xuất bản đảm bảo quy trình, chất lượng và hình thức; nguồn kinh phí, cơ sở vât chất đầu tư cho công tác này ngày càng nhiều, nhất là đối với các xã miền núi có điều kiện khó khăn; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương được được quan tâm với nhiều hình thức phong phú sinh động.
Nguồn: Báo cáo số 565-BC/TU, ngày 09/10/2020 của Tỉnh ủy Quảng Nam