Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục được chú trọng
Các cấp ủy đảng luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm túc. Quá trình biên soạn lịch sử đã được các nhân chứng lịch sử, các tổ chức, cá nhân tham gia góp ý, bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị. Các bản thảo trước khi in ấn xuất bản đều được tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý, đánh giá của các thành viên hội đồng thẩm định cấp huyện; nội dung bảo đảm tính Đảng, tính khoa học; rút ra được những bài học kinh nghiệm lịch sử quý, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng; phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Việc nghiên cứu, biên soạn, tái bản, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các công trình lịch sử đảng bộ các cấp được quan tâm thực hiện. Đến nay, Huyện ủy Thăng Bình đã hoàn thành và xuất bản được 02 ấn phẩm, đó là “Lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình (1930 -1975)”, xuất bản năm 2000, tái bản năm 2015 và ấn phẩm “Lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình (1975 - 2015)”, xuất bản năm 2020. Đã có 21/22 xã, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử đấu tranh cách mạng địa phương và 01 xã đang tiến hành nghiên cứu, biên soạn. Công tác nghiên cứu, biên soạn cũng được các ngành, đoàn thể chú trọng; đã có 03 ngành, đoàn thể biên soạn lịch sử truyền thống và 02 ngành biên soạn kỷ yếu.
Việc đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử luôn được chú trọng, nhất là trong công tác sưu tầm, xác minh và thẩm định tư liệu. Trên cơ sở nguồn tài liệu là các văn bản nghị quyết, chỉ thị, báo cáo, văn kiện các kỳ đại hội để tiến hành biên soạn một cách chính xác, đầy đủ. Việc hoàn thành và xuất bản các ấn phẩm lịch sử, bước đầu đã góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân hiểu hơn về lịch sử và truyền thống cách mạng ở địa phương; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương được tăng cường
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương được quan tâm thực hiện thường xuyên. Cấp ủy các xã, thị trấn luôn quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua cuộc thi, hội diễn, hệ thống đài truyền thanh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ…
Các công trình sau khi xuất bản được phát hành rộng rãi đến các đơn vị, cơ quan, trường học nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cấp ủy các địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, lồng ghép tuyên truyền lịch sử địa phương vào các buổi sinh hoạt chi bộ cơ sở; qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã góp phần tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương đến mọi tầng lớp Nhân dân. Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng trong thanh thiếu niên được các cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến được thực hiện tốt. Huyện Thăng Bình hiện có trên 30 di tích lịch sử. Công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di tích được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Các di tích đều có sự phân cấp trách nhiệm cho các địa phương liên quan quản lý chặt chẽ, kiểm tra, giám sát di tích theo quy định. Xây dựng kế hoạch, quy hoạch, dự án sửa chữa, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích; thường xuyên chỉnh trang cảnh quan tại di tích; bảo vệ an ninh trật tự, chống xâm hại di tích.
Công tác nghiên cứu, biên soạn tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp chặt chẽ Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch biên soạn và đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong các trường phổ thông trên địa bàn huyện nhằm giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng vẻ vang của lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương cho học sinh.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng một số bản thảo lịch sử đảng bộ địa phương chưa cao; công tác lưu trữ các tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử chưa đảm bảo; các đồng chí lão thành cách mạng là nhân chứng lịch sử nhiều người đã mất, hoặc tuổi cao, sức yếu, trí nhớ hạn chế, nên việc khai thác tư liệu lịch sử từ nguồn này cũng gặp không ít khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, phát huy giá trị các cuốn lịch sử đã xuất bản nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên ở các xã, thị trấn chưa được chú trọng đúng mức. Một số ban, ngành, đoàn thể huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống ngành, đơn vị; nội dung tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa phong phú.
Để công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trong những năm tới được tốt hơn, các cấp ủy các cấp, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-01-2018 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 114-KH/HU, ngày 20/11/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; việc thông tin, tuyên truyền phải gắn với các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, ngày kỷ niệm của dân tộc, của đất nước và của địa phương; thực hiện tốt việc đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống vào giảng dạy trong các trường phổ thông; phát huy các kênh sinh hoạt chi bộ, internet, mạng xã hội trong việc tuyên truyền lịch sử. Các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống ngành, địa phương; đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng tại địa phương, cơ quan, đơn vị...
Nguồn: Báo cáo số 15-BC/HU, ngày 28/2/2020 của Huyện ủy Thăng Bình