Tham dự Hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan của tỉnh; Thường trực Huyện ủy; lãnh đạo các ban, ngành liên quan của huyện, xã; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tại địa phương qua các thời kỳ; đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy – UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì buổi tọa đàm.

Quang cảnh Tọa đàm khoa học di tích lịch sử Khu căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc – Nghĩa hội Quảng Nam
|
Tại buổi tọa đàm, đại biểu đã được nghe các nhà nghiên cứu trao đổi về sử liệu Khu căn cứ Tân tỉnh – Trung Lộc liên quan đến phong trào Nghĩa hội Quảng Nam cuối thế kỷ XIX. Theo đó: Nghĩa hội Quảng Nam là phong trào đấu tranh chống Pháp do các sĩ phu yêu nước ở Quảng Nam lập nên nhằm kêu gọi, tập hợp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng chiếu Cần Vương giúp vua Hàm Nghi chống Pháp. Nghĩa hội Quảng Nam do Tiến sĩ Trần Văn Dư cùng với Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu, Cử nhân Phan Bá Phiến, Ấm sanh Tiểu La – Nguyễn Thành thành lập và chọn Sơn phòng Dương Yên (nay thuộc thôn 5, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My) làm đại bản doanh, gây cho Pháp nhiều thiệt hại mà điển hình là trận tấn công đánh chiếm tỉnh thành La Qua.
Quân Pháp và quân triều đình nhà Nguyễn đã tập trung lực lượng để đàn áp. Nghĩa hội Quảng Nam tổn thất nặng nề, các căn cứ ở Dương Yên, An Lâm, Đại Đồng bị thất thủ. Đến tháng 12 năm 1885, thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam là Trần Văn Dư bị quân Pháp sát hại. Sau khi Tiến sĩ Trần Văn Dư bị bắt và bị xử chém, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu được các sỹ phu yêu nước, các nghĩa binh suy tôn lên làm Hội chủ và ông đã chọn thung lũng Trung Lộc thuộc Quế Sơn để xây dựng Nghĩa hội làm căn cứ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn tiếp theo.
Khu trung tâm căn cứ kháng chiến của nghĩa quân đặt ngay làng Trung Lộc (sau chia ra là Trung Lộc Đông, Trung Lộc Tây nay là Lộc Đông, Lộc Trung, Lộc Tây xã Quế Lộc) có ba mặt là núi cao như những dãy trường thành che chắn, một mặt là sông Thu Bồn chảy qua - và bên kia sông, phía Đại Bình cũng là những dãy núi cao sừng sững. Từ phía Đông, muốn vào Trung Lộc phải vượt qua đèo Le hiểm trở. Từ Trung Phước, có thể theo sông Thu Bồn ra đến Đà Nẵng, Hội An, vào tận Tam Kỳ. Núi Phường Rạnh, truông Trạch, Thác Cá, Thác Ông là những địa thế thiên nhiên hiểm trở, rất tiện lợi cho việc phòng thủ Trung Lộc. Từ Trung Phước ngược dòng lên Hòn Kẽm, Tân An, Phước Sơn và có thể đi tiếp theo đường mòn đến Kon Tum. Thung lũng Trung Lộc có chợ Trung Phước nằm cạnh bến sông Thu Bồn với nguồn hàng lâm thổ sản dồi dào, có những cánh đồng lúa nước và vườn tược trù phú thường được gọi là “Tiểu Đồng Nai” nên có thể tự túc được lương thực, thực phẩm. Rặng núi phía tây Trung Lộc lại có nhiều quặng sắt là nguồn nguyên liệu để luyện sắt, rèn đúc vũ khí cho nghĩa quân. Frédéric Baille, nguyên Khâm sứ Trung Kỳ trong thời gian này (1886-1889), đã nhận xét: “Ông Nguyễn Duy Hiệu đã xây dựng căn cứ Tân Tỉnh… gần như một quốc gia”. Có thể mô tả về căn cứ đó như sau: Khu trung tâm đặt tại Khe Canh, nằm dưới chân núi Hòn Tan (tức Hòn Than). Dải đất giữa làng Trung Lộc Đông và Trung Lộc Tây được chọn làm nơi đặt đại bản doanh. Tại đây có nơi làm việc của Hường Hiệu và bộ tham mưu của nghĩa quân. Nơi đây còn có văn miếu để thờ 150 bài vị các vị tiền nhân có công khai phá vùng đất Quảng Nam. Bên ngoài khu trung tâm, tại Gò Thắng (đầu cầu Bến Ý) có hệ thống doanh trại, nhà lao, pháp trường. Tại Vườn Đình Trung Lộc (Trường THCS Quế Lộc hiện nay) có kho quân lương. Tại Chánh Yên (Trung Yên – xã Sơn Viên) có xưởng rèn đúc vũ khí. Trên triền núi phía Đông Nam đại bản doanh có kho quân trang, quân dụng (Miếng Kho) và một trang trại chăn nuôi trâu bò (Động Cổng).
Những thắng lợi của nghĩa quân làm cho bọn thực dân, tay sai vô cùng lo sợ. Tháng 8 năm 1887, vua Đồng Khánh theo lệnh của quan thầy Pháp đã sai tên việt gian Nguyễn Thân từ sơn phòng Nghĩa- Định đem quân ra phối hợp với quân của Phan Liêm mở nhiều đợt tấn công vào Tân Tỉnh. Mặc dù tổ chức chống trả quyết liệt, nhưng do lực lượng của giặc rất mạnh, nghĩa quân Tân Tỉnh không đủ sức chống trả. Cuối năm 1887, lực lượng nghĩa quân tan rã, Nguyễn Duy Hiệu đã tự nộp mình, nhận lấy trách nhiệm về phần mình để bảo toàn mạng sống cho nghĩa quân.
Khu căn cứ Tân Tỉnh tuy chỉ tồn tại trong 2 năm nhưng những ý nghĩa của nó để lại vô cùng to lớn. Ghi dấu một phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi nhất, rầm rộ nhất có tính chất quần chúng rộng rãi của Nhân dân Quảng Nam trong những năm 80 của thế kỷ XIX, đánh dấu sự khởi đầu cho các phong trào yêu nước, đấu tranh chống thực dân Pháp ở các năm tiếp theo của thế kỷ XX và sau này. Chính nhãn quan sáng suốt của Nguyễn Duy Hiệu khi chọn vùng đất Trung Lộc làm căn cứ đã soi rọi cho thế hệ sau tiếp tục dựa vào thế đất này để chống quân xâm lược.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Ngô Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những sử liệu của các nhà nghiên cứu được trình bày tại buổi tọa đàm. Việc tổ chức tọa đàm thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” trên địa bàn huyện. Đồng thời chính là sự tri ân đối với những tài sản vô giá của bao thế hệ cha ông ngày trước. Thế hệ chúng ta hôm nay càng biết yêu quê hương nhiều hơn, biết tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước, bảo vệ quê hương của tiền nhân; cũng nhắc nhở chúng ta phải có một cái nhìn toàn diện, đúng đắn để có kế hoạch xây dựng, giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ mai sau, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã đề ra.
Để làm được việc đó trong thời gian đến, các ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và toàn xã hội trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị của di tích lịch sử Khu căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc. Chủ động, tích cực trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị liên quan đến di tích; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên hiểu được giá trị, ý nghĩa di tích trên địa bàn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ giá trị di tích. Bên cạnh đó, cần phát huy cao độ các giá trị của di tích bằng việc tổ chức nhiều hoạt động tại khu di tích, kết hợp giữa nhà trường với địa phương, gắn việc học tập tại trường với học tập ngoại khóa tại khu di tích cho học sinh trên địa bàn huyện nói chung và xã Quế Lộc nói riêng. Có như vậy mới khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử này; UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành chức năng chuyên môn xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để khảo sát, thẩm định, phục hồi, bảo tồn các di tích của Khu Căn cứ Tân tỉnh. Huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau đặc biệt là kinh phí từ xã hội hóa, huy động nguồn lực từ Nhân dân cũng như việc gây quỹ và tìm các nguồn tài trợ khác nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử này củng như các di tích khác còn lại trên địa bàn huyện; Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong quá trình thực hiện khai thác di tích như một tài nguyên du lịch cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, xã hội) và việc bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc làm nên giá trị cốt lõi của di tích.