Mục đích, yêu cầu của Hướng dẫn là nhằm thống nhất quy trình thẩm định lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị ở Trung ương và địa phương. Bảo đảm chất lượng nội dung, tính đảng, tính khoa học, tránh sai sót trước khi xuất bản, phát hành ấn phẩm. Tất các các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị ở Trung ương và địa phương phải được thẩm định trước khi xuất bản phát hành.
Về thẩm quyền thẩm định, Hướng dẫn quy định rất rõ ràng, cụ thể:
- Viện lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lịch sử truyền thống cách mạng của các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị ở Trung ương.
- Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ quận, huyện, thị xã; lịch sử truyền thống cách mạng của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị ở cấp tỉnh.
- Ban Tuyên giáo quận ủy, huyện ủy, thị thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn; lịch sử truyền thống cách mạng của các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị ở cấp quận, huyện, thị.
Về hội đồng thẩm định, tùy vào quy mô tính chất công trình có thể thành lập hội đồng từ 5-9 thành viên, gồm những đồng chí có chuyên môn, nghiệp vụ về lịch sử Đảng, có thâm niên trong công tác lịch sử Đảng ít nhất 03 năm; là người có hiểu biết sâu sắc về lịch sử địa phương, lịch sử các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, đơn vị; am hiểu về những lĩnh vực chủ yếu được phản anh trong bản thảo công trình lịch sử.... Cơ cấu gồm Chủ tịch Hội đồng, Thư ký, các Phản biện và Ủy viên Hội đồng. Đối với Hội đồng cấp tỉnh và cấp huyện thì do đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo cấp đó làm Chủ tịch Hội đồng.
Về kinh phí thẩm định, Hướng dẫn nêu rõ: Kinh phí thẩm định lấy từ nguồn kinh phí biên soạn và xuất bản công trình lịch sử (kinh phí thẩm định phải được xây dựng trong tổng dự toán kinh phí nghiên cứu, biên soạn). Kinh phí thẩm định có thể quy định tỷ lệ phần trăm trong tổng kinh phí của một công trình được phê duyệt; hoặc áp dụng theo quy định kinh phí Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học từng cấp theo văn bản hướng dẫn cụ thể của địa phương.
Trước đó, từ năm 2011 trên cơ sở kinh nghiệm và thực tiễn tại địa phương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 12-HD/BTGTU, ngày 09/5/2011 về “Thẩm định nội dung các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng ngành, địa phương trước khi xuất bản”. Về cơ bản đảm bảo đúng quy trình như Hướng dẫn số 90-HD/HVCTQG của Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh.