Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN THẮNG LỢI TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM Ở QUẢNG NAM

Ngày đăng: 14:07 | 05/08/2021 Lượt xem: 2268

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi trọn vẹn. Để có được thắng lợi đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã chủ động, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối của Đảng vào tình hình thực tiễn cách mạng địa phương.

 
Các đồng chí đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tại buổi tọa đàm kỷ niệm 50 năm thành lập
Đảng bộ tỉnh (28.3.1930 - 28.3.1980)

Chủ động xây dựng cơ sở và lực lượng cách mạng
Sau khi thành lập (28/3/1930), nhất là trong những năm 1939 - 1943, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam có nhiều lần bị bể vỡ, trong đó có ba lần bể vỡ nặng nhất, đó là tháng 10/1939; đầu năm 1942 và cuối năm 1943. Nhưng nhờ nắm vững chủ trương, sau mỗi lần bể vỡ, các đồng chí chưa bị bắt tiếp tục chủ động nối lại đường dây, xây dựng phong trào cách mạng, vừa tìm cách liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ để kịp thời nắm chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng. Vì vậy, sau mỗi lần bể vỡ, phong trào cách mạng ở Quảng Nam nhanh chóng phục hồi.
Đặc biệt, nhờ tích cực tìm đường bắt nối, tháng 10/1940, Tỉnh ủy liên lạc được với Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại chùa Hang (Núi Thành). Hội nghị được nghe đồng chí Hồ Tỵ - phái viên của Xứ ủy tham dự và phổ biến nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (11/1939). Hội nghị có ý nghĩa như một đại hội của Đảng bộ tỉnh, đồng thời đánh dấu bước chuyển hướng nhận thức quan trọng về đường lối giải phóng dân tộc, chuẩn bị những điều kiện hướng tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau khi Tỉnh ủy lập lại, các đồng chí trong Tỉnh ủy phân công nhau đi xây dựng cơ sở cách mạng, cơ quan Tỉnh ủy không ở một chỗ mà di chuyển liên tục cho phù hợp với tình hình cách mạng, như đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) - Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ đã nói “lúc này chúng tôi đi đến nơi nào coi như Tỉnh ủy chuyển đến đó”. Lúc bấy giờ do địa điểm đứng chân của Tỉnh ủy liên tục bị địch phát hiện, khủng bố, đánh phá, vì vậy để đảm bảo an toàn, các đồng chí trong Tỉnh ủy liên tục di chuyển tìm nơi đứng chân, mặc dù liên tục di chuyển tìm nơi đứng chân, nhưng đi đến đâu các đồng chí trong Tỉnh ủy cũng tìm cách xây dựng cơ sở, phát triển lực lực Cách mạng. Điều đó đã thể hiện sự chủ động của Đảng bộ tỉnh trong xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.
Vận dụng sáng tạo Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”
Sở dĩ Cách mạng tháng Tám ở Quảng Nam đạt được thành quả là nhờ diễn ra trong điều kiện có những yếu tố thuận lợi căn bản. Trước hết đó là sự nắm vững và vận dụng sáng tạo những chủ trương đường lối về giải phóng dân tộc của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chương trình Điều lệ của Mặt trận Việt Minh và bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12/3/1945.
Trong bản chỉ thị này Trung ương chủ trương thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp, trước đây bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” và dự kiến các khả năng có thể làm cho cuộc khởi nghĩa của ta nổ ra giành thắng lợi. Trên cơ sở đó, Đảng bộ Quảng Nam nỗ lực chuẩn bị chu đáo từ tuyên truyền giác ngộ quần chúng đến tập hợp lực lượng và tổ chức rộng khắp từ nông thôn đến thành phố tạo ra sức mạnh tổng hợp cho Cách mạng tháng Tám. Tháng 5/1945, Hội nghị Tỉnh ủy quyết định kiện toàn Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh lấy mật danh Việt Minh Vụ Quang để công khai tuyên truyền hiệu triệu quần chúng; củng cố hệ thống Việt Minh từ xã, tổng lên phủ, huyện. Để nhanh chóng phát triển lực lượng và các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa, tháng 6/1945, Tỉnh ủy họp mở rộng tại Thọ Khương, Tam Kỳ. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh sử dụng hình thức mít tinh tuyên truyền xung phong tại các lễ hội hợp pháp của quần chúng để phát động phong trào; nhanh chóng phát triển đội tự vệ vũ trang cơ sở, xây dựng đội du kích Vũ Hùng thành lực lượng vũ trang nòng cốt của tỉnh.
Sau Hội nghị Tỉnh ủy ở Thọ Khương công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa ở Quảng Nam phát triển với nhịp độ sôi nổi và khẩn trương. Các tổ chức lãnh đạo và lực lượng khởi nghĩa hình thành, luôn trong tư thế sẵn sàng hành động. Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh được củng cố tăng cường, đã thành lập các ban chuyên môn như Ban Quân sự, Ban Tài chính, Ban Binh vận, Ban Phụ vận. Mỗi đồng chí trong Tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh được phân công chỉ đạo từng phủ, huyện, thị thành và các mặt công tác quan trọng. Đầu tháng 8/1945, hầu hết tổng và phần lớn số trong tỉnh lập xong Ủy ban Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Đội du kích Vũ Hùng phát triển lên 200 đội viên, đêm đêm anh em tập trung học quân sự, luyện tập võ nghệ... Như vậy, ở Quảng Nam, những ngày đầu tháng 8/1945 bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa.
Nhận thấy thời cơ cách mạng chín muồi, trong hai ngày 12 và 13/8/1945, Tỉnh ủy họp tại nhà ông Tòng, ở Khương Mỹ (nay thuộc xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) để bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành, chiều 13/8/1945 nhận được tin “Nhật hoàng đã đầu hàng Đồng Minh”. Ngay lập tức cuộc họp được chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến cũng tại Khương Mỹ, chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.
Khi thời cơ cách mạng đến, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An đêm 17 rạng sáng 18/8/1945. Còn tại thành phố Đà Nẵng, do tình hình cấp bách đặt ra, không thể chờ đồng chí Lê Văn Hiến từ Quảng Ngãi về (lúc này đồng chí Lê Văn Hiến với vai trò là Trưởng ban khởi nghĩa giành chính quyền thành phố Đà Nẵng được giao nhiệm vụ vào Quảng Ngãi thương lượng với quân Nhật tại đây là không can thiệt vào công cuojc khởi nghĩa của ta), Thường trực Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - Bí thư Thành ủy, Phó trưởng ban khởi nghĩa tổ chức cuộc họp tối ngày 25/8/1945, quyết định ra lệnh tổng khởi nghĩa toàn thành phố. Ngay trong đêm, đồng chí Lê Văn Hiến về đến nơi và tiếp tục bàn công việc khởi nghĩa giành chính quyền trong thành phố. Như kế hoạch, sáng 26/8 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng thành công.
Như vậy, nhờ sự chủ động, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối của Đảng vào tình hình thực tiễn cách mạng địa phương, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng diễn ra trong một thời gian ngắn (từ ngày 18/8/1945 đến ngày 26/8/1945) và giành thắng lợi trọn vẹn.
Đánh giá về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam, trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập I (1930-1954), Nxb CTQG Sự thật xuất bản 2018, đã giành những dòng trang trọng nhất để nói về sự kiện này: “Ngày 18-8-1945, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa, song do thời cơ thuận lợi xuất hiện, thấm nhuần Chỉ thị lịch sử ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Đảng bộ và Việt Minh các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Mỹ Tho đã phát động và lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thắng lợi. Khởi nghĩa thành công nhanh chóng ở các tỉnh trên là biểu hiện sinh động tinh thần chủ động, sáng tạo, năng lực cách mạng dồi dào của các cấp bộ đảng, Việt Minh và quần chúng các địa phương”(1).

(1): Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập I (1930-1954), quyển 1 (1930-1945), Nxb CTQG Sự thật xuất bản 2018, tr. 696

Tác giả: Lê Năng Đông

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?