
Quang cảnh lớp cập nhật kiến thức
|
Dự chỉ đạo tại điểm cầu trung tâm, có đồng chí Phan Việt Cường – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Đinh Văn Thu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự Lớp cập nhật kiến thức tại 19 điểm cầu có gần 2000 cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện, thị, thành phố.
Tại lớp cập nhật kiến thức, các đại biểu được nghe Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn, Giảng viên cao cấp, Viện Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo chuyên đề “Nhận diện, xử lý các xung đột xã hội và điểm nóng chính trị - xã hội”: Xung đột là trạng thái bất ổn định gây ra bởi sự đối lập thực tế hoặc do nhận thức về các nhu cầu, giá trị và lợi ích. Xung đột có thể từ bên trong hoặc từ bên ngoài. Trong xã hội tồn tại nhiều loại xung đột khác nhau, tính phức tạp, sự phân hoá xã hội; xung đột bao trùm toàn bộ các quan hệ con người trong đời sống xã hội: Xung đột cá nhân, xung đột nhân cách, xung đột thế hệ, xung đột giữa các lực lượng xã hội, các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hoá, văn minh...
Xung đột xã hội là hiện tượng không tránh khỏi trong đời sống xã hội, là một thuộc tính của quá trình phát triển. Xung đột đóng vai trò tích cực, là đòn bẩy thúc đẩy, hoặc giúp sửa chữa những thiếu sót và khẳng định những thay đổi có tính tiến bộ. Tuy nhiên, khi xung đột xã hội không được quản lý tốt, hoặc bị chi phối bởi những hoạt động chủ quan trái với quy luật phát triển, tạo ra những xung đột giả tạo. Lúc đó, xung đột xã hội gây mất ổn định chính trị - xã hội, gây những thiệt hại về kinh tế, vật chất và tư tưởng tinh thần. Do đó, xung đột nói chung nằm ngoài mong đợi của hệ thống chính trị - chủ thể luôn tìm cách làm cho xã hội ổn định. Nhiệm vụ của quản lý xung đột là làm sao để quá trình giải toả xung đột phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của xã hội, giảm thiểu và ngăn chặn sự lan tràn những hậu quả tiêu cực của xung đột xã hội. Xung đột ở giai đoạn thấp, nếu không giải tỏa, sẽ phát triển thành điểm nóng xã hội, điểm nóng chính trị - xã hội, là những tình huống chính trị.
Điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị-xã hội, dù không mong muốn vẫn sẽ là một hiện tượng tồn tại trong đời sống xã hội và đời sống chính trị, đặc biệt là khi xã hội còn phân chia giai cấp, còn những khác biệt về lợi ích, còn bất bình đẳng trong quá trình hiện thực hoá các lợi ích, trong thụ hưởng những thành quả phát triển chung và những phúc lợi xã hội. Điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị xã hội còn là một hiện tượng gắn liền với những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, khi mà sự phát triển vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước và xã hội.
Có thể khẳng định rằng, qua nội dung chuyên đề, giúp cho cán bộ nắm được khái niệm, bản chất, đặc điểm các xung đột xã hội, các tình huống chính trị. Có thái độ đúng đắn khoa học, khách quan đối với các xung đột xã hội, các tình huống chính trị, nâng cao tính tích cực trong lãnh đạo quản lý trước các hiện tượng có tính xung đột trong đời sống xã hội và đời sống chính trị. Từ đó, trang bị các kiến thức, kỹ năng nhận diện, phân loại và áp dụng quy trình xử lý các xung đột xã hội các tình huống chính trị, phù hợp với vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại lớp cập nhật kiến thức, đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định tính cấp thiết, quan trọng về việc nắm rõ các kiến thức về khái niệm, bản chất, đặc điểm, phân loại, quy trình xử lý, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết các xung đột xã hội, các tình huống chính trị...Đây là cơ sở lý luận quan trọng giúp đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của Đảng bộ tỉnh nâng cao cảnh giác, kỹ năng nhận diện, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề về chính trị - xã hội nẩy sinh trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường ổn định góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra./.