Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam có các đồng chí: Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Nguyễn Hữu Sáng – TUV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, hội đoàn thể tỉnh, Báo Quảng Nam, Đài PT-TH tỉnh, Báo cáo viên Tỉnh ủy, lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… Ngoài ra, 18/18 huyện, thị, thành ủy mở điểm cầu trực tuyến, thành phần tham dự: Các đồng chí Tỉnh ủy viên và Báo cáo viên Tỉnh ủy đang công tác tại địa phương; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện, thị, thành ủy; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị và Mặt trận, hội đoàn thể của huyện, thị xã, thành phố; báo cáo viên các huyện, thị, thành ủy...

Quang cảnh Hội nghị BCV Trung ương trực tuyến tháng 01 năm 2020 tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam
|
Tại hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã nêu khái quát nội dung cơ bản Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Phân tích sự khác biệt của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư so với các cuộc cách mạng trước. Nhấn mạnh những nội dung trọng tâm: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Những hạn chế nêu trên có những nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất. Khả năng phân tích, dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế. Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh đến quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia; chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; chính sách hội nhập quốc tế; chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 và định hướng tuyên truyền trong thời gian đến.
Năm 2019, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ báo cáo viên ngày càng hoạt động nền nếp, trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nghiêm túc, kịp thời tới các tổ chức đảng và đảng viên. Nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ báo cáo viên trong công tác tuyên truyền miệng, trong công tác tuyên giáo được nâng lên; đội ngũ báo cáo viên được quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng thường xuyên hơn; quyền lợi, chế độ của báo cáo viên theo quy định được quan tâm hơn. Đặc biệt, năm 2019 đã tổ chức thành công Hội thi Báo cáo viên giỏi 2019…
Định hướng nhiệm vụ lãnh dạo, chỉ đạo, hoạt động tuyên truyền miệng trong thời gian tới, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh trong năm 2020, công tác tuyên truyền miệng được xác định là yêu cầu cấp bách và cần thiết, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chỉ đạo nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng; tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có chất lượng, khắc phục tình trạng đông nhưng không mạnh; tăng cường công tác phối hợp cung cấp thông tin chính thống, kịp thời; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại nhằm hỗ trợ tối đa và tăng hiệu quả cho hoạt động tuyên truyền miệng… Trước mắt, cần tập trung tuyên truyền về kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị phục vụ đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2020), 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020)...