
Quang cảnh Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
|
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về nội dung các chuyên đề: Đề án Phát triển thành phố Tam Kỳ thành đô thị loại I vào năm 2025; tình hình quy hoạch và định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Quy hoạch cấp thoát nước trên địa bàn vùng Đông của tỉnh.
Về Đề án phát triển thành phố Tam Kỳ thành đô thị loại I vào năm 2025: Theo báo cáo, thành phố Tam Kỳ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II tại Quyết định số 240/QĐ-TTg, ngày 05/02/2016. Hiện nay, thành phố ngày càng phát huy vai trò là thành phố tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích và các chỉ tiêu về dân số, thu nhập và một số chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật khác của thành phố chưa đạt tiêu chuẩn theo Nghị quyết của Quốc hội về phân loại đô thị.
Về tình hình quy hoạch và định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025: Thời gian qua, các ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát và lập mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất... bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra; phát triển nông nghiệp vẫn còn yếu tố chưa bền vững; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm; đổi mới cách thức tổ chức sản xuất hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống nhân dân…
Về tình hình thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Quy hoạch cấp thoát nước trên địa bàn vùng Đông của tỉnh: Đến nay, cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn các địa phương vùng Đông của đã và đang được vận hành trên Hệ thống thông tin đất đai của tỉnh, việc cập nhật và chỉnh lý cơ sở dữ liệu được thường xuyên và xuyên suốt. Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ thực hiện Dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra; sự phối hợp giữa đơn vị thi công và chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ; công tác quản lý đất đai tại các địa phương còn buông lỏng; trình độ đội ngũ cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị các nội dung tại hội nghị chuyên đề lần này và sự đóng góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên nhiều lĩnh vực của các đại biểu, qua đó đã thấy được quyết tâm chính trị của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đối với sự phát triển của quê hương Quảng Nam trong thời gian tới.
Về Đề án phát triển thành phố Tam Kỳ thành đô thị loại I vào năm 2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa định hướng phát triển đô thị Tam Kỳ thành đô thị loại I vào hồ sơ quy hoạch tỉnh để báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung đô thị Tam Kỳ vào Chương trình phát triển đô thị quốc gia. Trên cơ sở đó, chỉ đạo triển khai lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Tam Kỳ (mở rộng) trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt theo quy định.
Về tình hình quy hoạch và định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch cơ cấu. Trong đó, cần tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM theo hướng bền vững; có cơ chế để thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp để nâng cao năng lực tổ chức quản lý, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung, cung cấp dịch vụ đầu vào trong sản xuất nông nghiệp,...
Về tình hình thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Quy hoạch cấp thoát nước trên địa bàn vùng Đông của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ban, ngành của tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm phải thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đảm bảo phát huy hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trong thực tế, tránh lãng phí ngân sách đầu tư; tăng cường công tác tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra chặt chẽ kết quả làm việc, khả năng ứng dụng tin học, công nghệ mới trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở; thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu về quyền lợi, trách nhiệm trong việc đăng ký đất đai và phối hợp tốt khi đo đạc, lập hồ sơ; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức cố tình cản trở, kéo dài, gây phiền hà cho Nhân dân trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị sớm xây dựng Đề án thoát nước vùng Đông của tỉnh cho giai đoạn sau năm 2020 để làm cơ sở quản lý và cập nhật vào các hồ sơ quy hoạch liên quan đang triển khai thực hiện như quy hoạch vùng Đông và quy hoạch tỉnh; lựa chọn vị trí phù hợp để đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải và các giải pháp về công nghệ xử lý, đảm bảo không được xả nước thải (kể cả đã qua xử lý) trực tiếp ra biển, ảnh hưởng đến môi trường,...