
Quang cảnh buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn
|
Sau khi nghe đại diện Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ qua; những kiến nghị, đề xuất trong nhiệm kỳ đến và ý kiến phát biểu của các đồng chí dự làm việc; đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kết luận như sau:
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Điện Bàn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật nhất là quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Nhiều công trình hạ tầng đô thị - nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư khá đồng bộ. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt. Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, hệ thống y tế ngoài công lập phát triển mạnh. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Chất lượng cuộc sống nhân dân ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Đảng bộ thị xã Điện Bàn đã lãnh đạo và tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường có lúc chưa tốt. Tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai còn xảy ra nhiều, một số vụ việc chưa được giải quyết kịp thời. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn ra. Tình hình tội phạm trong thanh thiếu niên, trộm cắp, ma túy, cờ bạc, tín dụng đen… tiềm ẩn phức tạp. Công tác cán bộ còn hụt hẫng ở một số địa phương. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng có mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Điện Bàn lần thứ XXIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Thường trực Tỉnh ủy định hướng một số nội dung để Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn thời gian đến cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cụ thể:
1. Điện Bàn có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công nghiệp và dịch vụ du lịch. Vì vậy, trong nhiệm kỳ đến cần đề ra các giải pháp phù hợp, có tầm nhìn xa để phát huy các lợi thế sẵn có, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp.
2. Khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Điện Bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có định hướng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Hoàn chỉnh có chất lượng các đồ án quy hoạch phân khu, nhất là tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; khớp nối, nâng cấp hạ tầng giao thông với Đà Nẵng, Hội An, Đại Lộc và Duy Xuyên. Sớm sắp xếp lại dân cư, nhất là khu vực phía Đông của thị xã. Tiếp tục khai thác các tiềm năng về văn hóa, lịch sử con người và môi trường tự nhiên để phát triển du lịch Điện Bàn, tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao, có sự khác biệt, độc đáo, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh. Chú trọng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, gia trại. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với du lịch sinh thái làng quê. Tập trung hoàn thiện hạ tầng đô thị vùng Đông và ven biển, kết nối, tạo thành chuỗi đô thị liên hoàn với các địa phương lân cận của thành phố Đà Nẵng và Hội An. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
3. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động văn hóa, phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân; tích cực giải quyết việc làm, phấn đấu trên địa bàn thị xã không còn hộ nghèo.
4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền, tiến đến xây dựng chính quyền điện tử. Đảm bảo quốc phòng, an ninh; kiên quyết đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là trộm cắp, ma túy, đánh bạc, “tín dụng đen”... Giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, bức xúc của Nhân dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người, kéo dài, phát sinh phức tạp trên địa bàn.
5. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, nói đi đôi với làm, sâu sát cơ sở, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường tập hợp quần chúng, xây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận những đề xuất, kiến nghị cụ thể của thị xã và giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát kỹ từng nội dung cụ thể để có cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn hiện nay theo thứ tự ưu tiên; tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA hỗ trợ để đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn; nghiên cứu bổ sung biên chế cán bộ địa chính cho các địa phương có nhiều dự án phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; kiến nghị, đề xuất với Trung ương điều chỉnh những bất cập liên quan đến quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng…