Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thận

Ngày đăng: 16:29 | 27/07/2022 Lượt xem: 280

Chiều nay 27.7, Tỉnh ủy- HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thận - nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước.

Dự lễ có Thiếu tướng Đoàn Văn Nhất - Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng thân nhân đại diện gia đình đồng chí Trần Thận - bà Trần Thị Kim Liên (con gái đồng chí Trần Thận).

 
Bà Trần Thị Kim Liên - con gái đồng chí Trần Thận thay mặt gia đình đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Thực hiện Quyết định số 37 ngày 7.1.2022 của Chủ tịch nước về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Thận diễn ra trang nghiêm, long trọng.
Đồng chí Trần Thận, tên thật là Trần Cát, sinh ngày 12.5.1927, tại làng Bàn Thạch, tổng An Lạc, phủ Duy Xuyên, nay thuộc xã Duy Vinh (Duy Xuyên). Sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, năm 1942, đồng chí Trần Thận được kết nạp vào Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ Bàn Thạch.
Năm 1947, đồng chí Trần Thận được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cử đi học Trường Lục quân do Quân khu 5 tổ chức ở tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi kết thúc khóa học, từ năm 1947 đến năm 1952, đồng chí làm cán bộ dân quân tỉnh Quảng Nam.
Mùa hè năm 1952, đồng chí Trần Thận được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng điều động bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy Duy Xuyên, làm Chính trị viên Huyện đội. Trên cương vị này, đồng chí đã góp phần cùng lực lượng vũ trang của địa phương lập nhiều chiến công vang dội, từ Bà Rén, Câu Lâu, Non Trượt, Đường 104, đánh tan nát tuyến phòng thủ của quân Pháp trên đất Duy Xuyên.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Trần Thận được chỉ định làm Phó Bí thư Huyện ủy, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. Lúc này, Mỹ - Diệm trắng trợn vi phạm hiệp định, ra sức thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng, thẳng tay bắn giết cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước. Một số huyện ủy viên và cán bộ rơi vào tay giặc, bị thủ tiêu. Địa bàn đứng chân không còn, phần đông cán bộ phải tìm đường ra miền Bắc hoặc chuyển vùng hoạt động.
Năm 1955, huyện ủy và cán bộ huyện còn không quá 10 người. Với phương châm “Đảng là của dân, cách mạng từ nhân dân”, đồng chí Trần Thận kịp thời chuyển phương thức hoạt động, phân công mỗi cán bộ phụ trách một địa bàn, dựa vào dân để xây dựng cơ sở cách mạng.
Đến năm 1959, cả huyện Duy Xuyên xây dựng được hàng chục chi bộ đảng, lực lượng cách mạng từng bước được phục hồi. Những năm tháng khó khăn ấy, cán bộ, đảng viên và nhân dân Duy Xuyên không thể nào quên hình ảnh đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Thận với bộ quần áo cộc, không có bảo vệ, không cần giao liên, trong những đêm tối trăng vẫn lặng lẽ từ khu Tây dò đường về khu Đông. Ban ngày ở hầm bí mật, ban đêm đến từng nhà, gặp từng người để thuyết phục, vận động gây dựng cơ sở. Nhờ đó, nhân dân càng tin vào Đảng, càng tin vào cán bộ.
Năm 1959, đồng chí vinh dự được Liên khu ủy 5 chỉ định bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, tiếp tục làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên kiêm Bí thư Ban cán sự khu Trung của tỉnh. Tiếp đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (tháng 1.1960), đồng chí Trần Thận được bầu vào Tỉnh ủy, sau đó bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công làm Trưởng ban Quân sự tỉnh.
Sau thời gian ra Bắc chữa bệnh và học tập chính trị, đầu năm 1964, đồng chí Trần Thận về lại chiến trường miền Nam, được Khu ủy 5 phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách Chính trị viên Tỉnh đội kiêm Trưởng ban Dân vận - binh vận, đấu tranh chính trị, tuyên huấn. Thời gian này, đồng chí trực tiếp chỉ huy phong trào diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn đồng bằng ở Quảng Đà, mở ra thế và lực mới cho cách mạng.
Tháng 3.1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ Quảng Đà là phải tìm ra cách đánh Mỹ.
Từ quyết tâm đó, phong trào chiến tranh nhân dân ở Quảng Đà phát triển rộng khắp, ba mũi giáp công được kết hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thực tế ấy càng chứng minh đồng chí Trần Thận là người lãnh đạo có tầm nhìn toàn diện, có thái độ dứt khoát, năng động, sáng tạo.
Tháng 1.1971, đồng chí Trần Thận được Khu ủy 5 cho ra miền Bắc điều trị bệnh. Năm 1972, đồng chí Trần Thận trở lại chiến trường miền Nam, được phân công Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà và đến cuối năm 1972, làm Bí thư Đặc khu ủy thay cho đồng chí Hồ Nghinh. Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, quân Mỹ phải rút quân về nước.
Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, đồng chí Trần Thận trực tiếp nhận chỉ thị từ đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy, chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà để triển khai ý kiến chỉ đạo giải phóng Đà Nẵng của Khu ủy 5. Nhờ phân tích đúng tình hình, ta đã nhanh chóng giải phóng Đà Nẵng vào chiều ngày 29.3.1975.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Trần Thận được Khu ủy phân công làm Phó Bí thư Đặc khu ủy. Đến tháng 10.1975, tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà sát nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí Trần Thận được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, nhưng đồng chí Trần Thận bằng những sáng kiến táo bạo, đóng góp công sức, trí tuệ cùng Tỉnh ủy nhanh chóng khôi phục sản xuất, tăng cường xây dựng Đảng, đưa địa phương vượt qua khó khăn, phát triển đi lên.
Tháng 1.1980, đồng chí Trần Thận được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động về công tác tại Ủy ban Thanh tra Nhà nước, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra. Năm 1992, ông nghỉ hưu, nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm của người đảng viên, đồng chí đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng phát triển quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.
Phát biểu tại lễ truy tặng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của đồng chí Trần Thận đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng quê hương. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là sự ghi nhận cao quý của Đảng và Nhà nước đối với đồng chí Trần Thận.
“Đây là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam. Tinh thần đấu tranh gan dạ, kiên trung, bất khuất đó vẫn còn lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ người Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng tiếp bước noi gương học tập, tri ân các bậc tiền nhân bằng cách phát huy truyền thống quê hương, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho hôm nay và mai sau” - đồng chí Lê Văn Dũng, nhấn mạnh.

Tác giả: Tin, ảnh Nam Phương

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?