1- Năm 2022, Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng 11,2%, xếp thứ 11/63 tỉnh thành cả nước với qui mô nền kinh tế theo giá hiện hành 116.374 tỉ đồng, xếp 19/63 tỉnh, TP. Hoàn thành 16/16 chỉ tiêu phát triển KTXH & XD Đảng.
Đây là năm Quảng Nam thu ngân sách đạt cao kỷ lục từ khi tái lập tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 32.144 tỷ đồng, tăng 35,6% dự toán và tăng hơn 40% so với năm 2021; trong đó thu nội địa 25.210 tỷ đồng, tăng 32,7% dự toán và tăng 28,8% so với năm trước.
So sánh về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Quảng Nam đứng vị thứ 11/63 tỉnh, thành cả nước; 4/14 tỉnh, thành khu vực bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; 2/5 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
2- Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác Chính phủ đến làm việc tại tỉnh Quảng Nam, khảo sát các cơ sở hạ tầng trọng yếu và quyết định nhiều vấn đề có tầm chiến lược cho phát triển tỉnh Quảng Nam tại Thông báo số 135 ngày 6/5/2022.
Cụ thể có những nhóm vấn đề như: Nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn; đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang; hệ thống cảng biển Quảng Nam; Khu kinh tế mở Chu Lai, Quốc lộ 14Đ, Quốc lộ 14E, đất rừng phòng hộ ven biển, phát triển ngành công nghiệp dược liệu tự nhiên..v.v
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Quảng Nam bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, để xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế địa phương. Tập trung cho chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Hiện tỉnh đang khẩn trương, quyết liệt triển khai các nội dung đã được Văn phòng Chính phủ Thông báo. Xác định đây là các nội dung, nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần tổ chức thực hiện trong giai đoạn đến nhằm mục tiêu xúc tiến, thu hút huy động các nguồn lực toàn xã hội để tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng trọng điểm, chiến lược cũng như các chính sách hỗ trợ tỉnh phát triển.
3- Đăng cai & tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia với chủ đề Quảng Nam - điểm đến du lịch Xanh; là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch Xanh, tạo hiệu ứng tích cực trên cả nước về phục hồi du lịch.
Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô cấp quốc gia và là sự kiện du lịch thường niên lớn nhất của ngành Du lịch Việt Nam. Qua đó đã quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ của Quảng Nam đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh; góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng; thúc đẩy phục hồi ngành Du lịch sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, là việc tổ chức thành công Festival làng nghề vùng miền lần thứ nhất với sự tham gia của nhiều làng nghề trong tỉnh và đại diện các làng nghề miền Bắc và miền Nam, góp phần tôn vinh và duy trì, phát triển các làng nghề Việt Nam. Qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
4- Tổ chức qui mô Hội thảo trực tuyến quốc tế góp ý hoàn thiện đồ án qui hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Đây là lần đầu tiên trong cả nước, Quảng Nam tổ chức thành công một hội nghị trực tuyến quốc tế để tiếp nhận các đề xuất, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cho việc hoàn thiện đồ án quy hoạch của tỉnh ở tầm chiến lược, không chỉ tận dụng được hết lợi thế để đưa Quảng Nam phát triển đột phá trong giai đoạn tới mà còn phục vụ cho việc phát triển cho các tỉnh, thành khác trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước. Riêng Quảng Nam đến năm 2050, sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, định hình rõ các đô thị chức năng với hạt nhân, động lực phát triển là trung tâm hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; di sản văn hóa thế giới; các khu công nghiệp, khu du lịch biển, cảng biển, sân bay; phát triển hiệu quả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…
5- Tổ chức trang trọng thành công Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công (7/8/1912-7/8/2022).
Tham dự lễ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Nam và đại diện gia tộc đồng chí Võ Chí Công. Nhân sự kiện này, các cơ quan Trung ương và tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động về cuộc đời và những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam; làm sáng tỏ phẩm chất cách mạng kiên cường và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực của đồng chí Võ Chí Công; góp phần tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng của các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ hôm nay.
6- Tổ chức trang trọng, ý nghĩa kỷ niệm 150 năm ngày sinh Nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9/9/1872 - 9/9/2022) và hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh”.
Ông sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực, cứu nước trước hết phải cứu dân. Từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Phan Châu Trinh không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc.
Qua các hoạt động kỷ niệm, nhằm tri ân những đóng góp của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh trên các lĩnh vực, đặc biệt là tư tưởng về canh tân đất nước; đề xuất những giải pháp để lưu giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Phan Châu Trinh; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của đất nước, con người xứ Quảng, tạo động lực tinh thần mới trong công cuộc xây dựng quê hương.
7- Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo xanh & Ngày hội sáng tạo chuyển đổi số, sản phẩm OCOP trong khuôn khổ khai mạc Năm quốc gia khởi nghiệp 2023 với chủ đề Quảng Nam - Lan toả khát vọng khởi nghiệp.
Đây là sự kiện với mục đích đổi mới, liên kết và ứng dụng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá, trưng bày ý tưởng, dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo; sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xứ Quảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hướng đến sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; tạo lập văn hóa khởi nghiệp và khởi nghiệp từ sản phẩm bản địa; đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối các chủ thể; kết nối Hội đồng cố vấn khởi nghiệp, phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo thanh niên, nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên; liên kết và phát triển Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo miền Trung – Tây Nguyên, góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia khởi nghiệp; thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh, thực hiện thành công mục tiêu chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
8- Tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ (27.7.1947-27.7.2022).
Đặc biệt cùng với 5 địa phương khác trong cả nước là Hà Nội, TP. HCM, Hà Giang, Bình Định, An Giang, Quảng Nam là một điểm cầu tham gia chương trình đặc biệt mang tên "Khúc tráng ca hòa bình" được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam, có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban TƯ MTTQVN cùng các bộ, ngành Trung ương. Một lần nữa, mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường nhưng cũng gánh chịu bao hy sinh mất mát đã làm lay động lòng người với những câu chuyện đời thường nhưng cũng rất phi thường.
Hơn 65 nghìn liệt sĩ, hơn 30 nghìn thương binh… là những con số biết nói khi nhắc về mảnh đất Quảng Nam anh hùng - nơi lập nên nhiều chiến công hiển hách, tô thắm truyền thống những trang sử vàng. Đó là những huyền thoại bất tử, đó là bản hùng ca không quên… để mỗi một người dân Quảng Nam hôm nay bước tiếp vào trang mới của bài ca, khát vọng hòa bình, xây dựng quê hương giàu đẹp.
9- Tổ chức các hoạt động, tham dự Lễ mít ting kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Lào tại tỉnh Sê Kông.
Qua đó củng cố mối quan hệ sâu sắc, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai tỉnh Quảng Nam – Sê Kông nói riêng và hai nước nước Việt – Lào nói chung.
Các hoạt động tổ chức nhân dịp này còn nhằm góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt này cho hôm nay và mai sau. Tất cả vì sự phát triển bền vững và phồn thịnh của mỗi nước, của từng địa phương, cùng nhau vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 bên mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
10- Diễn tập thành công xuất sắc khu vực phòng thủ cấp tỉnh và phòng thủ dân sự Phòng chống thiên tai có sự tham gia của tỉnh Sekong nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Đây là cuộc diễn tập có quy mô 1 bên 2 cấp, với 3 giai đoạn, đó là: Chuyển LLVT vào trạng thái SSCĐ, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ; thực hành tác chiến phòng thủ.
Cuộc diễn tập lần này là bước kiểm tra, đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, trình độ tổ chức chỉ huy hiệp đồng của cán bộ các cấp và khả năng huy động tiềm lực của địa phương trong xử trí các tình huống quốc phòng... Đồng thời góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; thông qua đợt diễn tập, củng cố niềm tin của nhân dân vào sức mạnh chiến đấu của LLVT và kịp thời rút ra kinh nghiệm để bổ sung vào phương án, kế hoạch tác chiến lâu dài của tỉnh, góp phần bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình cho sự phát triển chung của đất nước./.