Quy định số 738-QĐ/TU, ngày 31/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử gồm có 06 Chương, 37 Điều. So với Quy định 1661, Quy định số 738 có một số điểm mới.
Về phân cấp quản lý cán bộ, có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cụ thể như: Bổ sung các nội hàm về tái cử, biệt phái; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, cách chức đối với cán bộ vào nội dung trong quản lý cán bộ; bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc xem xét, quyết định điều chỉnh cơ cấu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy ngoài cơ cấu “cứng” theo chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị; bổ sung trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc cho ý kiến về nhân sự thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đương chức tham gia làm thành viên hoặc giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; phân cấp và giao cho ban thường vụ cấp ủy cấp huyện chịu trách nhiệm lãnh đạo thực hiện quy trình và đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến về nhân sự ứng cử chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến về nhân sự ứng cử chức danh Phó Chủ tịch Hội đông nhân dân cấp huyện, trước khi giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu cử theo luật định; quy định rõ hơn về việc cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu mà tham gia lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài, làm chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã bổ sung làm rõ hơn về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ và các cơ quan liên quan trong việc thẩm định, thẩm tra, rà soát thông tin đối với nhân sự trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiêu cán bộ ứng cử.
Về nguyên tắc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử bổ sung thêm tiêu chí “uy tín của cán bộ”, theo đó, nếu như cán bộ không có uy tín hoặc chưa đủ uy tín thì sẽ không được bổ nhiệm cán bộ; không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.
Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, có một số nội dung cần chú ý, đó là: Bổ sung quy định “quy hoạch chức danh tương đương trở lên” đối với cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nhằm thuận lợi hơn trong công tác cán bộ, qua đó không chỉ góp phần cải cách thủ tục hành chính, phù hợp hơn với thực tiễn mà chức danh tương đương còn giúp tăng thêm nguồn cán bộ trong quá trình xem xét, giới thiệu để đảm bảo sự đồng bộ với công tác quy hoạch cán bộ. Lưu ý, chỉ thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch ít nhất 03 tháng.
Bổ sung điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây là quy định nhằm siết chặt việc “thăng tiến thần tốc” của cán bộ.
Thời hạn xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ kỷ luật đã được nâng lên (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật), đó là: cán bộ bị kỷ luật khiển trách thì trong 12 tháng không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn. Thời hạn này đối với cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo là 30 tháng và cán bộ bị cách chức là 60 tháng. Trước đây chỉ quy định chung cho các hình thức kỷ luật là 01 năm.
Về quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử từ nguồn nhân sự tại chỗ được bổ sung, hoàn thiện so với Quy định 1661 theo hướng tăng vai trò, thẩm quyền trong việc thực hiện quy trình nhân sự, từng hội nghị chỉ được tiến hành khi có người đứng đầu chủ trì (trừ trường hợp khuyết người đứng đầu) và có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt; xác định rõ hơn trách nhiệm cho tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự; đồng thời, bổ sung nguyên tắc xem xét đối với nhân sự phải đạt từ 30% phiếu giới thiệu trở lên; trường hợp không có người đạt số phiếu 30% trở lên, thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo; bổ sung thêm cách tính kết quả tỷ lệ phiếu giới thiệu nhân sự ở các hội nghị trên tổng số đại biểu được triệu tập.
Quy trình giới thiệu nhân sự ở các bước đã được bổ sung làm rõ, ở bước 2, bổ sung người đứng đầu trao đổi, định hướng nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phù hợp với yêu cầu của đơn vị, địa phương để hội nghị thảo luận và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín; ở bước 3, bổ sung trường hợp nhân sự giới thiệu ở bước này khác với nhân sự được giới thiệu ở bước 2 thì tập thể lãnh đạo họp, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, xem xét, quyết định lựa chọn nhân sự để giới thiệu ở bước tiếp theo (bằng phiếu kín) theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Người được lựa chọn phải có số phiếu giới thiệu ít nhất 2/3 trở lên của tổng số thành viên tập thể lãnh đạo theo quy định. Trường hợp không có người đạt số phiếu ít nhất 2/3, thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.
Quy trình điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ nguồn nhân sự bên ngoài cả trường hợp nhân sự do cấp có thẩm quyền dự kiến và nhân sự do cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đề xuất; quy trình nhân sự trong trường hợp chia tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức cũng được bổ sung, hoàn thiện.
Quy trình, nguyên tắc bổ nhiệm lại cán bộ được bổ sung, hoàn chỉnh, theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thông báo thời gian bổ nhiệm lại trước 90 ngày; quy định cụ thể trường hợp cán bộ đang trong thời gian thi hành kỷ luật; việc bố trí công tác khác đối với cán bộ không được bổ nhiệm lại.
Quy trình hiệp y quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh quy định rõ: Chỉ các cơ quan, đơn vị được tổ chức theo ngành dọc (từ Trung ương đến địa phương) mới thực hiện công tác hiệp y nhân sự với cấp ủy địa phương trước khi bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của tổ chức đó tại địa phương. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức không tổ chức theo ngành dọc, thì không thực hiện công tác hiệp y nhân sự, trừ trường hợp khác có quy định riêng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với các trường hợp: Trường hợp thực hiện quy trình bổ nhiệm mà thời điểm bổ nhiệm, cơ quan, tổ chức chỉ có 01 lãnh đạo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu; trường hợp thực hiện quy trình bổ nhiệm mà thời điểm đó nội bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức mất đoàn kết, nhiều người vi phạm kỷ luật, nếu thực hiện quy trình bổ nhiệm sẽ thiếu khách quan; trường hợp vì thiên tai, tai nạn hoặc vì lý do bất khả kháng khác mà cơ quan, tổ chức không còn người lãnh đạo, quản lý.
Các nội dung được quy định trong Quy định số 738-QĐ/TU, ngày 31/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.