Hơn 10 năm qua, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, theo đó phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các xã, phường quan tâm thực hiện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, mang lại kết quả đáng khích lệ với những mô hình, điển hình, thiết thực đã và đang được phát huy tác dụng cần được phổ biến, nhân rộng nhằm góp phần làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân trên toàn Thị xã.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Qua rà soát, thống kê, các cơ quan, đơn vị, xã, phường trên địa bàn Thị xã đã đăng ký thực hiện 348 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Trong đó có 149 mô hình trên lĩnh vực phát triển kinh tế; 167 mô hình trên lĩnh vực văn hóa- xã hội; 23 mô hình lĩnh vực quốc phòng - an ninh; 09 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Việc xây dựng và thực hiện các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đạt kết quả tốt, đã lựa chọn những nội dung, việc làm phù hợp, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Một số mô hình đã phát huy tác dụng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về vai trò của công tác dân vận, huy động được sự tham gia của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân.
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến các xã, phường quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Cuối mỗi năm Ban Dân vận Thị ủy ban hành kế hoạch khảo sát chất lượng, hiệu quả các mô hình; tổng kết, đánh giá và tham mưu Ban Thường vụ Thị ủy khen thưởng động viên phong trào. Đến nay, các mô hình điển hình được nhân rộng và duy trì hiệu quả không chỉ trên địa bàn Thị xã Điện Bàn mà còn lan tỏa ra các địa phương lân cận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện phong trào trên địa bàn thị xã còn những hạn chế như chính sách đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Nhà nước còn nhiều bất cập, dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân gặp không ít trở ngại.
Trong dịp này, đã trao tặng 04 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Dân vận cho 04 đồng chí có nhiều cống hiến cho công tác dân vận của Đảng; tặng giấy khen của BTV Thị ủy cho 4 tập thể và 02 cá nhân là điển hình dân vận khéo.
Sau khi tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Lê Thị Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và đồng chí Phan Minh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, đồng chí Phan Ngọc Hải - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể CT-XH trên địa bàn Thị xã cần trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian đến.
Tiếp tục phổ biến quán triệt nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ thị xã đến xã, phường về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước. Kịp thời phát hiện những mô hình mới, cách làm hay thực sự đem lại hiệu quả, có sức lan tỏa và bền vững để nhân ra diện rộng. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội theo tinh thần Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị. Chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có năng lực, kiến thức, có kinh nghiệm, nhiệt tình, hết lòng, hết sức với phong trào, vì nguyện vọng, chính đáng của nhân dân. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, động viên, nhân rộng những mô hình, điển hình tiêu biểu.