Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng Bộ tỉnh Quảng Nam !

Chi tiết tin

Nâng chất lượng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nhằm kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Ngày đăng: 8:37 | 15/05/2020 Lượt xem: 1443

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xác định nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nhằm góp phần kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng bộ và các tổ chức đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và các tổ chức đảng”[1]. Trên tinh thần đó, công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ được cấp ủy, UBKT các cấp tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm tra 11 tổ chức đảng, 14 đảng viên; giám sát 03 tổ chức đảng, 02 đảng viên về công tác cán bộ. Qua kiểm tra đã đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác cán bộ, giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp rút ra những kinh nghiệm, phát hiện những bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ, nhất là việc nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để khắc phục. Trong đó, năm 2018, qua kiểm tra công tác cán bộ theo Điều 30, Điều lệ Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đãphát hiện và chuyển UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 01 tổ chức đảng, 04 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kết quả kiểm tra đã thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng và 01 đảng viên có vi phạm trong công tác cán bộ.
Đối với cấp ủy huyện và cơ sở, đã kiểm tra chuyên đề công tác cán bộ đối với 53 tổ chức đảng, 81 đảng viên; giám sát 43 tổ chức đảng,51 đảng viên; từ đó, chuyển UBKT cùng cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 02 tổ chức đảng, 09 đảng viên.
UBKT Tỉnh ủy kiểm tra 05 tổ chức đảng, 16 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ; kết luận, các tổ chức đảng, đảng viên đều có khuyết điểm, vi phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; có 01 tổ chức đảng và 01 đảng viên vi phạm đến mức thi hành kỷ luật. UBKT cấp huyện và cơ sở kiểm tra 16 tổ chức đảng, 53 đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các quy định và nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; việc tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ… Qua kiểm tra, đề nghị thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng, 18 đảng viên.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ giúp xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, có trình độ, năng lực, góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm cần phải được nhìn nhận để kịp thời khắc phục.
Một số cấp ủy đảng nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ chưa đầy đủ, chưa chủ động tổ chức thực hiện; số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác cán bộ của cấp ủy còn ít so với tổng số cuộc kiểm tra, giám sát trong cả nhiệm kỳ (cấp tỉnh giám sát 03 tổ chức, tỷ lệ 23%; giám sát 02 đảng viên, tỷ lệ 5,9%; cấp huyện và cơ sở kiểm tra 60 tổ chức đảng, tỷ lệ 1,6%, 91 đảng viên, tỷ lệ 0,9%; giám sát 1,2% và 41 đảng viên, tỷ lệ 0,6%). Từ đó, cấp ủy chưa kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh dẫn đến công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, khuyết điểm vi phạm, nhất là trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Qua rà soát năm 2019 cho thấy, toàn tỉnh có nhiều trường hợp bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện; nhiều trường hợp bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đến ngày 28/12/2017 chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học; một số trường hợp đến thời điểm bổ nhiệm lại chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học; nhiều trường hợp được quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục. Đội ngũ cán bộ tuy có bước phát triển, trưởng thành, tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ được giao vẫn còn một số trường hợp cán bộ vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
UBKT các cấp kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ chưa nhiều, tỷ lệ còn thấp (tỷ lệ 5% so với tổng số nội dung kiểm tra); nội dung vi phạm trên lĩnh vực công tác cán bộ của tổ chức đảng được phát hiện, kiểm tra, xử lý còn quá ít, chưa tương xứng với tình hình thực tế (thống kê nội dung vi phạm của tổ chức đảng nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy tổ chức đảng vi phạm các quy định về công tác cán bộ bị xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ chỉ 1%).
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ có chức, có quyền suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân.
Nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm trên là do một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ và quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Một số cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy chưa làm tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy hoặc chủ trì kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Vai trò, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong tham mưu cấp ủy thực hiện quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát cán bộ có mặt còn hạn chế; chậm phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc thiếu kiên quyết trong kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ảnh hưởng không tốt đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ qua.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ nói chung và nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nói riêng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, đủ khả năng tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy cần xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; từ đó, tập trung chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp việc lãnh đạo và thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ. Phải xác định kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra, giám sát công tác cán bộ nói riêng là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị, trong đó UBKT các cấp là cơ quan chủ trì, phối hợp, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện; không để xảy ra tình trạng khoán trắng cho ủy ban kiểm tra, tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị phải vào cuộc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ.
Căn cứ Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25/02/2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/20119 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của nhiệm kỳ, hằng năm phải có nội dung về kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được được giao về công tác cán bộ; cơ quan có thẩm quyền quyết định công tác cán bộ theo quy định, cơ quan tham mưu công tác cán bộ và người làm công tác cán bộ.
Đối với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chú trọng kiểm tra, giám sát việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng trong tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ; công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác điều động, luân chuyển cán bộ; việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ; thực hiện chính sách cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Sửa đổi, bổ sung quy định công tác thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện và thẩm tra phẩm chất đạo đức, lối sống phục vụ công tác cán bộ theo quy định, nhất là việc phối hợp của các cơ quan chức năng trong thẩm tra đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; nâng cao chất lượng công tác giám sát thường xuyên để kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy phải xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và sử dụng bộ máy của cơ quan mình tiến hành kiểm tra, giám sát các chi ủy, chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, trước hết là cấp dưới trực tiếp và đảng viên thuộc lĩnh vực phụ trách và các đối tượng khác do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao. Qua kiểm tra, giám sát nhắc nhở, góp ý tổ chức đảng, đảng viên khắc phục hạn chế, khuyết điểm đồng thời chuyển thông tin cho UBKT nếu tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm.
UBKT các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, tham mưu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của nhiệm kỳ và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng về nội dung kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Chủ động nắm tình hình, phát hiện và tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kể cả cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu trong thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng liên quan đến công tác cán bộ; xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong công tác cán bộ.
Quá trình kiểm tra, giám sát công tác cán bộ cần được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ, đảm bảo quy trình, nguyên tắc, thủ tục. Qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm các quy định về công tác cán bộ, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền, chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, "sai phạm đến đâu, xử lý đến đó" và "không có vùng cấm, vùng trống, ngoại lệ". Kịp thời thu hồi, huỷ bỏ các quyết định không đúng về công tác cán bộ, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy định, lựa chọn những cán bộ đảm bảo phẩm chất, năng lực và uy tín.
Thứ ba, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia phản biện, giám sát về công tác cán bộ.
Cấp ủy các cấp chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát của HĐND đối với hoạt động của UBND trong công tác xây dựng chính quyền, nhất là việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, pháp luật về cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác cán bộ theo Quy định số 217-QĐ/TW và Quy định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân; Quy định 124-QĐ/TW, ngày 2 tháng 2 năm 2018 của Ban Bí thư về giám sát Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan dân cử và người dân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền theo Điều 12 Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định”. Xây dựng cơ chế đảng viên và nhân dân tham gia tham gia công tác cán bộ; nhân dân tham gia giám sát cán bộ và công tác cán bộ.
Thực hiện tốt công tác tiếp dân của Thường trực cấp uỷ các cấp ở địa phương theo định kỳ; bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ và cấp uỷ viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư; đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn sinh hoạt đảng tại chi bộ khu dân cư. Tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống.

________________________________________
[1] Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, ngày 27/11/2015 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tác giả: Phan Thanh Thiên - Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy

[Trở về]

» Đảng Cộng sản Việt Nam
     Khóa IX
     Khóa X
      Khóa XI
     Khóa XII
     Khóa XVIII
     Khóa XIX
     Khóa XX

     Khóa XXI
     Khóa XXII
Xem tất cả

Liên kết website

Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá như thế nào về cổng thông tin này?